Vì sao giới thiên văn muốn đặt thiết bị viễn vọng ở vùng tối Mặt trăng?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:15, 29/09/2023
Tham vọng đặt trạm quan sát trên Mặt trăng có thể trở thành hiện thực vào năm 2026 nhờ dự án phát triển thiết bị viễn vọng vô tuyến LuSEE-Night giữa LBNL hợp tác với NASA, Bộ Năng lượng Mỹ và Đại học Minnesota. Kính viễn vọng sẽ được tàu Blue Ghost của công ty tư nhân Firefly Aerospace đưa đến địa điểm xa nhất trong vùng tối của Mặt trăng mà con người từng tiếp cận.
Theo nhà nghiên cứu LBNL Kaja Rotermund: “Nếu ở phía xa Mặt trăng, bạn sẽ có một môi trường nguyên sơ không sóng vô tuyến để cố gắng ghi nhận tín hiệu từ thời kỳ tăm tối của vũ trụ (khoảng 150 - 800 triệu năm sau vụ nổ lớn). Đây là sứ mệnh cho thấy liệu chúng ta có thể thực hiện hoạt động quan sát ở nơi mà chúng ta chưa từng đến, ở dải tần số mà chúng ta chưa từng quan sát được hay không”.
Để thực hiện nhiệm vụ, LuSEE-Night sẽ được trang bị ăng ten chuyên dụng với khả năng phát hiện tín hiệu từ 0,5 đến 50 MHz. Cả ăng ten lẫn Blue Ghost đều phải chịu được nhiệt độ khắc nghiệt dao động từ - 173 đến 121 độ C. Thiết bị viễn vọng truyền dữ liệu thu thập về Trái đất thông qua một vệ tinh đang quay quanh.
Nhà nghiên cứu Aritoki Suzuki - người phụ trách phát triển ăng ten của LBNL cho biết: “Chỉ riêng kỹ thuật hạ cánh một thiết bị khoa học xuống phía xa Mặt trăng đã là một thành tựu to lớn rồi. Nếu có thể tiếp cận, triển khai và duy trì sự hiện diện, chúng ta sẽ mở ra cơ hội cho cộng đồng khoa học và các thử nghiệm trong tương lai”.
Nếu thành công, LuSEE-Night có thể cung cấp dữ liệu về thời kỳ tăm tối cũng như vài thời kỳ gần đây hơn khi các ngôi sao bắt đầu hình thành. LBNL gần đây đã hoàn thành đánh giá kỹ thuật, hiện tại đang xây dựng mô hình chuyến bay.