Thanh Hóa và Long An có số dịch vụ công trực tuyến cao nhất nước

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 11:26, 29/09/2023

Trong 63 tỉnh thành, 2 tỉnh Thanh Hóa và Long An có số dịch vụ công trực tuyến cao nhất nước, là 1.716 và 1.569 dịch vụ.

Thanh Hóa và Long An đứng đầu 

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm, về chuyển đổi số, tất cả bộ ngành và địa phương đã xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với nền tảng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).

“Việc sử dụng và chia sẻ dữ liệu quốc gia đang có những đóng góp ngày càng quan trọng trong việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mỗi giao dịch qua NDXP giúp tiết kiệm 3.000 đồng cho xã hội, góp phần tiết kiệm hàng tỉ đồng các chi phí về đi lại, giấy tờ, thời gian…”, báo cáo nêu.

Về dịch vụ công trực tuyến, trên cổng dịch vụ công quốc gia tính đến ngày 25.9.2023, số thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 4.556 thủ tục; 2.644 dịch vụ công cho công dân; 2.418 dịch vụ công cho doanh nghiệp; số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý lên cổng Dịch vụ công quốc gia là khoảng 244,9 triệu hồ sơ; số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua cổng Dịch vụ công quốc gia là hơn 25,1 triệu hồ sơ.

Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, có 3 bộ có số lượng dịch vụ công trực tuyến cao nhất gồm: Bộ Tài chính 207 dịch vụ, Bộ Công an 202 dịch vụ và Bộ Giao thông vận tải 203 dịch vụ.

1111.jpeg
Dịch vụ công trực tuyến

Trong các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh Thanh Hóa và Long An có số dịch vụ công trực tuyến cao nhất toàn quốc với số dịch vụ công là Thanh Hóa 1.716 dịch vụ và Long An 1.569 dịch vụ.

Thị trường bảo hiểm vẫn gặp khó

Tổng cục Thống kê cũng cho hay thị trường bảo hiểm đang gặp khó khăn nhất định do quy định chặt chẽ của hợp đồng bảo hiểm từ kênh bán hàng qua các ngân hàng.

Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước. Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng vừa qua đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực do tác động của tình hình quốc tế và trong nước, thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt.

Tính đến thời điểm 20.9.2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm trước tăng 2,49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8% (cùng thời điểm năm trước tăng 4,04%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,73% (cùng thời điểm năm trước tăng 10,54%).

Tổng doanh thu phí bảo hiểm 9 tháng năm 2023 ước đạt 165,6 nghìn tỉ đồng (giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó: doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52,2 nghìn tỉ đồng (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 113,4 nghìn tỉ đồng (giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2022).

Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 28.9.2023, chỉ số VN-Index đạt 1.140,50 điểm, giảm 6,8% so với cuối tháng trước và tăng 13,25% so với cuối năm 2022; mức vốn hóa thị trường (đến ngày 15.9.2023) đạt 6.349 nghìn tỉ đồng, tăng 21,5% so với cuối năm 2022.

Trong tháng 9.2023, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.254 tỉ đồng/phiên, tăng 2,3% so với bình quân tháng trước. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 16.940 tỉ đồng/phiên, giảm 16% so với bình quân năm 2022.

1111-2.jpeg
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn rất lớn

Một tháng có 15.000 DN dừng hoạt động

Trong tháng 9, cả nước có 12.684 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký là 117,2 nghìn tỉ đồng, giảm 9,7% về số DN, giảm 13,4% về vốn đăng ký.

So với cùng kỳ năm 2022, tăng 10,6% về số DN, giảm 13,9% về số vốn đăng ký và tăng 29,3% về số lao động.

Tính chung 9 tháng năm 2023, cả nước có 116,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,08 triệu tỉ đồng, tăng 3,1% về số DN, giảm 14,6% về vốn đăng ký.

Ngoài ra, có 48,9 nghìn DN quay trở lại hoạt động, giảm 3,2% so với 9 tháng năm 2022, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 165,2 nghìn DN, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18,4 nghìn DN mới hoặc DN quay trở lại hoạt động.

Cũng trong 9 tháng năm 2023, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 75,8 nghìn DN, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước; 46,1 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13,2 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%. Bình quân một tháng có 15 nghìn DN dừng hoạt động.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3/2023 cho thấy: Có 30,1% số DN đánh giá tốt hơn so với quý 2/2023; 37,5% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 32,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Dự kiến quý 4/2023, có 39,1% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 3/2023; 37,2% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 23,7% số DN dự báo khó khăn hơn.

Lam Thanh