Thực phẩm tăng giá do nhiều nước hạn chế xuất khẩu
Chuyển động - Ngày đăng : 14:44, 29/09/2023
Làm thế nào nấu được một bữa ăn khi nguyên liệu chính quá đắt đỏ là vấn đề khiến các gia đình đau đầu ở thời điểm hiện tại. Loạt thực phẩm thiết yếu như gạo, dầu ăn, thịt... đang thiếu hụt do các quốc gia hạn chế xuất khẩu nhằm bảo vệ nguồn cung trong nước trước tác động của cuộc chiến Ukraine, mối đe dọa từ hiện tượng El Nino với hoạt động sản xuất nông sản và biến đổi khí hậu.
Cô Caroline Kyalo sống tại Nairobi (Kenya) phải tìm cách nấu món ăn không có hành tây cho 2 con. Nước láng giềng Tanzania hạn chế xuất khẩu mặt hàng này nên giá tăng gấp 3 lần.
Ban đầu Kyalo thử dùng hành lá thay thế, nhưng giá mặt hàng này cũng quá đắt. Giá dầu ăn và bột ngô cũng cao nên cô quyết định chỉ nấu ăn mỗi ngày một lần.
Tuy Kenya có đất đai màu mỡ cùng lực lượng lao động đông đảo, nhưng chi phí trồng trọt và vận chuyển cao, cộng thêm đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên qua đã khiến lượng nông sản nội địa sụt giảm. Theo một báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, đến năm 2014 một nửa số hành tây mà Kenya tiêu thụ là nhập từ nước láng giềng.
Tiểu thương Timothy Kinyua cho biết giá hành tây Tanzania tại chợ thực phẩm Wakulima trên địa bàn Nairobi đạt mức cao nhất trong 7 năm. Một số thương nhân khác chuyển sang nhập hàng Ethiopia, có người bán các loại rau khác, nhưng Kinyua vẫn không từ bỏ hành tây.
Theo Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế, trên toàn cầu hiện có 41 hạn chế xuất khẩu thực phẩm (từ lệnh cấm hoàn toàn cho đến đánh thuế) thuộc 19 quốc gia đang có hiệu lực. Ấn Độ vào đầu năm nay cấm bán một số loại gạo ra nước ngoài khiến xuất khẩu toàn cầu thiếu hụt khoảng 1/5. Myanmar - nước cung cấp gạo thứ 5 thế giới phản ứng bằng cách áp đặt hạn chế tương tự.
Ấn Độ còn hạn chế xuất khẩu hành tây do mùa màng bị lượng mưa thất thường gây thiệt hại. Giá cả ở nước láng giềng Bangladesh lập tức tăng vọt buộc giới chức phải tìm nguồn cung thay thế.
Ở nơi khác, hạn hán hoành hành khắp Tây Ban Nha ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất dầu ô liu. Người mua châu Âu tìm đến Thổ Nhĩ Kỳ khiến giá dầu ô liu tại quốc gia Địa Trung Hải này tăng cao kỷ lục, chính quyền buộc phải hạn chế xuất khẩu. Vào tháng 2, Morocco - nước hứng chịu hạn hán rồi mới đây là động đất - đã ngừng xuất khẩu hành tây, khoai tây và cà chua.
Đây không phải lần đầu tiên giá thực phẩm biến động mạnh. Giá vài mặt hàng chính yếu như gạo hay lúa mì từng tăng gấp đôi ở giai đoạn 2007-2008, nhưng thời điểm đó thế giới vẫn có nguồn dự trữ dồi dào để dùng đến, vài năm sau lại bổ sung.
Nguồn dự trữ trong 2 năm qua đã giảm đáng kể, biến đổi khí hậu làm cho nguồn cung thực phẩm dễ cạn kiệt đẩy giá cả tăng đột biến, theo cựu quan chức Bộ Nông nghiệp Mỹ Joseph Glauber. Ông nhận định: “Tôi nghĩ biến động mạnh chính là điều bình thường mới”.
Theo giới chuyên gia, giá thực phẩm toàn cầu sẽ được quyết định bởi sự tương tác giữa 3 yếu tố: El Nino diễn biến ra sao và kéo dài bao lâu, liệu thời tiết xấu có gây thiệt hại cho mùa màng và khiến xuất khẩu bị hạn chế nhiều hơn hay không, cũng như tương lai của cuộc chiến Ukraine.
Tình hình dường như không khả quan. Ấn Độ trải qua tháng 8 khô hạn nhất trong một thế kỷ và Thái Lan đang đối mặt với hạn hán, những điều làm dấy lên lo ngại về nguồn cung đường ăn. Hai nước đều là nhà xuất khẩu đường hàng đầu thế giới sau Brazil.
Mưa ít tại Ấn Độ dập tắt hy vọng vụ thu hoạch lúa tháng 10 sẽ bội thu, góp phần hạ nhiệt giá cả từ đó chấm dứt hạn chế xuất khẩu. Giám đốc công ty kinh doanh thực phẩm Wesderby India Private Limited Aman Julka nhận định giá gạo có khả năng giảm xuống.
Các nước phụ thuộc nhiều vào thực phẩm nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề. Ví dụ tiêu biểu là Philippines, nước có 14% thực phẩm là hàng nhập khẩu. Thiệt hại do bão gây ra với cây trồng khiến tình trạng thiếu hụt thêm trầm trọng. Giá gạo tháng 8 tăng 8,7% so với năm ngoái (mức tăng tháng 7 là 4,2%). Nhiều cửa hàng thực phẩm ở thủ đô Manila đang thua lỗ do giá cả tăng nhanh kể từ ngày 1.9 và khách hàng từng mua số lượng lớn nay mua ít đi.
“Chúng tôi không tiết kiệm được tiền nữa. Chúng tôi giống như chỉ làm việc để có đồ ăn hằng ngày vậy”, chủ cửa hàng thực phẩm Charina Em chia sẻ.
Bà Cynthia Esguerra phải lựa chọn giữa thực phẩm hoặc thuốc trị cholesterol cao, sỏi mật và bệnh về tiết niệu. Mỗi lần bà chỉ mua được nửa ký gạo, không đủ cho hai vợ chồng ăn.
“Tôi không mua thuốc nữa mà chỉ dùng tiền để mua thức ăn và trả nợ”, bà Esguerra cho biết.
Nhà nghiên cứu Elyssa Kaur Ludher (Viện ISEAS-Yusof Ishak) lưu ý rằng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến bất cứ cây trồng vật nuôi gì cần lượng mưa ổn định để phát triển chứ không chỉ cây lúa, vì vậy rau củ, cây ăn quả và gia cầm đều chịu ảnh hưởng, làm tăng nguy cơ thực phẩm hư hỏng.
Và nếu hoạt động xuất khẩu ngũ cốc Ukraine không được khơi thông, sẽ có thêm tình trạng thiếu hụt phân bón lẫn thức ăn chăn nuôi. Việc Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen là đòn giáng mạnh vào an ninh lương thực toàn cầu.