Kịch bản cho tăng trưởng quý 4/2023
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:25, 30/09/2023
Kịch bản nào cho tăng trưởng năm 2023?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đề ra ngày càng khó khăn hơn, nhất là trước "tác động kép" từ nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài cùng hạn chế, thách thức bên trong.
"Kinh tế-xã hội của tháng 9 và 9 tháng tiếp tục phục hồi khả quan; tuy nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đạt kết quả chưa được như kỳ vọng nhưng đã chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quý", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực. GDP quý 3 ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 3,28%, quý 2 tăng 4,05%) trong bối cảnh nhiều nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thấp. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
CPI tháng 9 tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 9 tháng tăng 3,16%; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm; thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 75,5% dự toán. Đáng chú ý, vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục được cải thiện; giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (46,7%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 110.000 tỉ đồng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường tháng 9 đạt gần 18,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ KH-ĐT đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý 4 và cả năm 2023.
Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%, quý 4 cần tăng 7% (quý 4 năm 2022 tăng 5,92%).
Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý 4 cần tăng 8,8%.
Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý 4 cần tăng 10,6%.
Theo ông Dũng, tăng trưởng quý 4 phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam; hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024 là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.
"Các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức nên yêu cầu cần sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương; tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý 4, đặc biệt là tạo đà cho năm 2024 và các năm tiếp theo", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Giải pháp trọng tâm trong quý 4
Bộ KH-ĐT kiến nghị cần chuẩn bị chu đáo, tổ chức thực hiện các công việc, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung phục vụ Hội nghị Trung ương 8, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; tiếp tục triển khai nhanh, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Ông Dũng nhấn mạnh cần tập trung tổ chức, thực thi quyết liệt các giải pháp, chính sách đã ban hành nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, các ngành, lĩnh vực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các chính sách về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư.
Ngoài ra, cần tập trung thúc đẩy thị trường trong nước. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa, tranh thủ cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024; tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.
Song song với các giải pháp trên, Bộ KH-ĐT cho rằng cần đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ các cơ hội mới từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ để thu hút các tập đoàn đa quốc gia: đầu tư, hợp tác hình thành hệ sinh thái chíp, bán dẫn, sản xuất linh kiện, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, bảo đảm đời sống người dân.