Cần đảm bảo an toàn cho ngư dân trong mùa mưa bão

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 23:58, 30/09/2023

Vào mùa mưa bão, hoạt động đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân trở nên khó khăn và nguy hiểm do sóng to, gió lớn. Để đảm bảo an toàn cho người và tàu, người dân cần tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi hành nghề.

Tại cửa biển Hương Mai, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau) hiện có 215 tàu cá đang hoạt động đánh bắt trên biển. Trong đó, tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m là 128 chiếc đang hoạt động đánh bắt ven bờ; tàu từ 12m đến dưới 15m là 61 chiếc; từ 15m đến dưới 24m là 26 chiếc.

Ông Phạm Văn Ngợi, một ngư dân ở ấp 7, xã Khánh Tiến có 2 tàu hoạt động với nghề câu mực. Hằng ngày, việc ra biển phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, từ thời tiết đến rủi ro trong lao động, hư hỏng máy, nhất là mùa mưa bão bất thường như hiện nay nên gia đình ông Ngợi thường tranh thủ những lúc biển êm mới ra khơi hành nghề.

Ông cho biết kinh nghiệm để giữ an toàn cho tàu như sau: “Trước khi ra biển, tôi luôn nhắc nhở các ngư phủ đi trên tàu phải thường xuyên mở bộ đàm giữ liên lạc với đất liền để theo dõi tình hình thời tiết; giữ liên lạc với gia đình. Bên cạnh đó, khi qua trạm kiểm soát biên phòng, chúng tôi luôn được cán bộ Đồn Biên phòng Khánh Tiến nhắc nhở phải đảm bảo trang thiết bị an toàn cho người và tàu cá. Khi ra biển hoạt động phải đúng vùng tuyến được đăng ký trong giấy phép và tuyệt đối không được vi phạm vùng biển nước ngoài. Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, khi nghe tin thời tiết xấu là phải vào bờ ngay”, ông Ngợi cho hay.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Lân, ngụ ấp 7, xã Khánh Tiến có 4 tàu cá. Trước đây, mỗi tàu ra biển thường có đến 7 - 8 ngư phủ, những năm gần đây, do lượng hải sản đánh bắt ít nên nhiều lao động có tay nghề không còn mặn mà với công việc này. Điều này dẫn đến việc thiếu người nên chủ tàu phải sử dụng những lao động mới thiếu kinh nghiệm, dễ gặp rủi ro trong công việc.

“Cửa biển Hương Mai được đầu tư kè chống sóng, chống sạt lở kiên cố, nhưng do cửa biển hẹp và cạn, bên trong còn hai khối bê tông là móng cống cũ án ngữ ngay luồng vào, nên chỉ cần có sóng, gió cấp 3 là phương tiện ra vào gặp nguy hiểm, dễ hư hỏng do bị va đập”, ông Lân nói.

93851218pm91432258pmanh-3.jpg
Một trụ bê tông án ngữ ngay cửa biển Hương Mai gây khó khăn cho tàu cá ra vào

Thiếu tá Nguyễn Văn Lượm, Đồn trưởng Đồn biên phòng Khánh Tiến cho hay: "Thời gian qua, đơn vị thường xuyên phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Những tàu cá nhỏ không đảm bảo an toàn kiên quyết không cho ra biển, tránh để xảy ra những vụ việc đáng tiếc đối với nhân dân. Đồng thời, đơn vị luôn chủ động và sẵn sàng phối hợp với các lực lượng hỗ trợ ngư dân hoạt động trên biển cũng như nhân dân sinh sống, làm ăn trên địa bàn".

Trước đó, vào ngày 3.5.2023, Đồn biên phòng Khánh Tiến đã tiếp nhận tin báo của bà Nguyễn Thị Bỉ, ngụ tại ấp 3, xã Khánh Tiến về việc tàu cá có biển số CM 05756 TS, do chồng bà là ông Nguyễn Y Đuôl làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, hành nghề câu mực. Thời điểm ra biển, trên tàu có ông Đuôl và 3 ngư phủ, khi hoạt động đánh bắt ở vùng biển cách cửa biển Hương Mai khoảng 20 hải lý về hướng Tây thì gặp sự cố nguy hiểm do tàu bị phá nước, sắp chìm nên cần sự giúp đỡ của lực lượng biên phòng.

Tiếp nhận tin báo, Đồn Biên phòng Khánh Tiến nhanh chóng liên lạc kêu gọi các phương tiện đang hoạt động gần khu vực tàu gặp nạn hỗ trợ cứu người và cứu kéo tàu cá nói trên vào đất liền. Đồng thời, đơn vị tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng ra biển ứng cứu khi cần thiết.

tau.jpg
Ngư dân cần tuân thủ quy định khi hoạt động trên biển để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão

Sau khi Đồn Biên phòng Khánh Tiến phát đi thông tin, tàu đánh cá có biển số CM 05663 TS của ông Đinh Hoàng Khương, ngụ xã Khánh Tiến đã kịp thời đến cứu vớt an toàn 4 thuyền viên trên tàu gặp nạn, đồng thời, hỗ trợ cứu kéo tàu gặp nạn vào bờ an toàn.

Theo lãnh đạo Đồn biên phòng Khánh Tiến, cùng với việc tuyên truyền, vận động ngư dân hoạt động trên biển đảm bảo an toàn cho người, tàu cá thì có một số hộ dân đang sinh sống ở ven sông - nơi có nhiều nguy cơ sạt lở đất - đơn vị cũng đã phối hợp với địa phương tuyên truyền, giải thích về sự nguy hại của dông lốc và sạt lở đất để bà con chủ động di dời, phòng, tránh.

Mùa mưa bão, để bảo đảm an toàn trong hoạt động đánh bắt, bà con ngư dân nên tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước trong hoạt động đánh bắt về thông tin liên lạc, đánh bắt theo giấy phép đăng ký và hoạt động đúng vùng, tuyến theo quy định... Tuyệt đối không được tự ý tháo, tắt thiết bị giám sát hành trình, vi phạm vùng biển nước ngoài. Bởi trong trường hợp chẳng may gặp sự cố trên biển thì cơ quan chức năng còn xác định được vị trí gặp nạn mà hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn.

Trần Khải