Rừng ngập mặn - Bài 1: Diện tích giảm mạnh, không chỉ ở VN

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 07:59, 02/10/2023

TS Trần Thị Ngọc Bích, Phó Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ - Môi trường - (Trường đại học Trà Vinh) cho rằng “Rừng ngập mặn đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống con người. Tuy nhiên, vì nhiều lý do diện tích rừng ngập mặn trên thế giới đang giảm mạnh”.
rung-ngap-man-o-indonesia.jpg
Rừng ngập mặn ở ĐBSCL - Ảnh: Tư liệu internet

Rừng ngập mặn trên thế giới giảm mạnh

Theo Wikipedia: Rừng ngập mặn (RNM) còn gọi là rừng đước, là quần thể được hợp thành từ thực vật ngập mặn, ảnh hưởng bởi nước triều ven biển nhiệt đới hoặc bán nhiệt đới. Rừng nhiệt đới phân bổ từ vĩ độ 25 bắc xuống vĩ độ 25 nam. Nằm trong mối tương tác giữa đất liền và biển, RNM sinh cảnh quan trọng và quý giá về khả năng thích nghi. Phổ biến trong RNM là cây chịu mặn, hải sản, chim nước, chim di cư, khỉ, lợn rừng, kỳ đà, trăn, chồn…

Năm 2010, các nhà khoa học cho biết sau khi phân tích dữ liệu từ hệ thống vệ tinh chụp ảnh trái đất (Landsat) của NASA, theo ước tính RNM hiện nay tồn tại chiếm 12,3% diện tích bề mặt trái đất (chiếm khoảng 137.760km2). RNM phổ biến ở 118 quốc gia trên thế giới, trong đó có 6.246.000ha thuộc châu Á nhiệt đới và châu Đại Dương, 5.781.000ha ở châu Mỹ nhiệt đới và 3.402.000ha thuộc châu Phi.

Theo nhà nghiên cứu Chandra Giri tại USGS, con số nói trên về RNM sẽ tiếp tục giảm trong tương lai: RNM toàn cầu đang biến mất nhanh chóng do biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng cao, phá rừng để phát triển kinh tế ven biển, làm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

rung-duoc-o-indinesia-bi-huy-hoai.jpg
Rừng ngập mặn ở Indonesia đang bị tàn phá nghiêm trọng - Ảnh: Tư liệu internet

Theo số liệu của Đài quan sát Trái đất (EO) của NASA, Indonesia có 17.000 hòn đảo và chiếm gần ¼ diện tích RNM trên thế giới. Tuy nhiên, các khu rừng này đã bị giảm một nửa trong ba thập niên qua - cụ thể giảm từ 4,2 triệu hecta năm 1982 xuống còn 2 triệu năm 2000. Trong phần rừng còn lại, có gần 70% là “trong tình trạng nguy kịch và bị thiệt hại nặng".

Cũng theo Đài quan sát Trái đất, RNM là một trong những hệ sinh thái có mức đa dạng sinh học cao trên hành tinh và là hệ sinh thái đặc trưng của đường bờ biển nhiệt đới và cận nhiệt đới.

RNM còn được xem là “vườn ươm” cho nhiều loài sinh vật biển, cung cấp kế sinh nhai cho cư dân ven biển. RNM cũng làm “lá chắn” hiệu quả trước những cơn bão và sóng thần. Tầm quan trọng của rừng này to lớn như thế nhưng qua nghiên cứu cho biết có chưa quá 7% diện tích RNM trên thế giới là được bảo vệ bởi luật pháp.

rnm-8.jpg
Chưa quá 7% diện tích rừng ngập mặn được pháp luật bảo vệ - Ảnh: Văn Kim Khanh

Môi trường sinh thái của RNM là chuyển tiếp giữa biển và đất liền do vậy sự tồn tại phân bổ, phát triển và hợp thành của RNM chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố sinh thái mà cho đến nay vẫn chưa có những đánh giá hay khẳng định về mức độ quan trọng của các nhân tố sinh thái đó.

Rừng ngập mặn ở Việt Nam đã giảm hơn một nửa

Ngày 12.10.2022, Trường đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp với Quỹ Thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, tổ chức hội thảo khoa học "Bảo vệ và phát triển bền vững RNM: Chính sách, pháp luật và thực tiễn".

Theo báo cáo khoa học tại hội thảo, cả nước còn 150.000ha RNM, tuy nhiên diện tích này đã và đang giảm nhanh do thiên tai, biến đổi khí hậu và tác nhân quan trọng là con người. Các báo cáo cũng khẳng định RNM là môi trường sống cho nhiều loài động thực vật, bảo vệ sự đa dạng sinh học, đồng thời điều hòa khí hậu, ngăn chặn xói mòn, chắn sóng, chắn gió và có chức năng lắng đọng trầm tích mở rộng vùng đất liền.

Về kinh tế - xã hội, RNM là nơi cung cấp thủy hải sản, các nguyên liệu gỗ củi, dược liệu cũng như phát triển du lịch. Các lợi ích này được giới khoa học trong và ngoài nước chứng minh qua thực tế với các số liệu ở các quy mô và vùng sinh thái khác nhau.

TS Trương Văn Vinh - Phó trưởng khoa Lâm nghiệp, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết hiện nay diện tích RNM suy giảm nhanh chóng. Ước tính, mỗi năm thế giới mất đi khoảng 2% tổng diện tích RNM, trong đó 60% nguyên nhân là từ các hoạt động của con người.

Cũng theo TS Vinh, tại Việt Nam vào năm 1945 RNM ước tính khoảng 400.000ha, đến năm 2019 báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp cho biết tổng diện tích RNM của cả nước chỉ còn 150.000ha.

rnm-18.jpg

Rừng ngập mặn rất đa dạng sinh vật - Ảnh: Tư liệu

Trước tình trạng suy giảm diện tích rừng hiện nay, yêu cầu đặt ra cho các nhà lâm nghiệp, nhà hoạch định chính sách là làm sao để RNM có thể cung cấp "dịch vụ môi trường" bao gồm các dịch vụ khai thác khả năng của rừng như bảo vệ đất, điều tiết duy trì nguồn nước, giảm phát thải carbon…

Phần lớn diện tích RNM Việt Nam tập trung ở phía nam. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT về công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2017, cả nước có 145.348,82ha RNM. Trong quá trình điều tra, khảo sát và đánh giá thực trạng RNM ven biển ĐBSCL, Viện Sinh thái và bảo vệ công trình (WIP) đã tổng hợp hiện trạng diện tích RNM tại khu vực ĐBSCL có 73.281,6ha, chiếm 50,4% diện tích RNM cả nước. Đây là khu vực có diện tích RNM lớn nhất toàn quốc năm 2017.

Tại cuộc hội thảo chuyên đề “Nỗ lực phục hồi rừng ngập mặn tại ĐBSCL” đầu tháng 9.2023 tại Trà Vinh, ông Hangsok Kim, Tổng giám đốc Công ty MangLub VN cho rằng “Rừng ngập mặn ĐBSCL là lá phổi của Việt Nam và thế giới, vì vậy việc bảo vệ và phát triển loại hình rừng này vô cùng quan trọng. Sự thất thủ của RNM ở ĐBSCL kéo theo sự thất thủ về vấn đề môi trường của Việt Nam và thế giới”.

Văn Kim Khanh