Kịp thời triển khai thi hành Luật Dầu khí năm 2022 thống nhất và hiệu quả
Thông tin doanh nghiệp - Ngày đăng : 11:10, 04/10/2023
Kế hoạch triển khai thi hành Luật Dầu khí năm 2022 với mục đích xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Dầu khí năm 2022, bảo đảm kịp thời, thống nhất và hiệu quả. Đồng thời, xác định cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Dầu khí năm 2022 trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, Kế hoạch triển khai thi hành Luật Dầu khí năm 2022 hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về Luật Dầu khí năm 2022, trách nhiệm triển khai thi hành Luật Dầu khí năm 2022.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc triển khai thi hành Luật Dầu khí năm 2022 bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình tổ chức triển khai thi hành Luật Dầu khí năm 2022. Xác định nội dung công việc phải đầy đủ, cụ thể; gắn trách nhiệm thực hiện với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức;
Phát huy trách nhiệm, tính chủ động, tích cực của các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương, đồng thời, bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Dầu khí năm 2022.
Ngoài ra, phải có lộ trình cụ thể để bảo đảm từ ngày 1.7.2023, Luật Dầu khí năm 2022 được triển khai thi hành đồng bộ, thống nhất, đầy đủ cùng với các văn bản quy định chi tiết thi hành trên phạm vi cả nước; Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo tiến độ, hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Dầu khí năm 2022.
Về nội dung tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Dầu khí năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức quán triệt việc thi hành luật; tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Dầu khí năm 2022 thông qua các chuyên mục, chương trình, tập huấn, biên soạn tài liệu và các hình thức khác theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Thời gian thực hiện trong năm 2023 và các năm tiếp theo (nếu cần thiết). Đồng thời, rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với Luật.
Về nội dung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Dầu khí năm 2022. Triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí (thay thế Nghị định số 95/2015/ND-CP ngày 16.10.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Dầu khí và Nghị định số 33/2013/NĐ-CP ngày 22.4.2013 của Chính phủ ban hành Hợp đồng mẫu của Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí) theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1529/QĐ-TTg ngày 12.12.2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 4. Tổ chức rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Đối với nội dung này, cơ quan chủ trì là Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các bộ, ngành liên quan sẽ là cơ quan phối hợp thực hiện nội dung này. Thời gian thực hiện: trong năm 2023 (phụ thuộc vào đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).
Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chủ trì tổ chức rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (nếu cần thiết). Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan sẽ là cơ quan phối hợp thực hiện trong năm 2023-2024.
Bộ Tài chính sẽ là cơ quan chủ trì việc tổ chức rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các bộ, ngành liên quan sẽ là cơ quan phối hợp thực trong năm 2023-2024.
Về nội dung tổ chức rà soát để sửa đổi, bổ sung các Thông tư của Bộ Công Thương hướng dẫn các nội dung liên quan đến hoạt động dầu khí (phụ thuộc vào kết quả rà soát). Cơ quan chủ trì là Bộ Công Thương. Cơ quan phối hợp là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các bộ, ngành liên quan. Thời gian thực hiện: năm 2023-2024.
Về nội dung tổ chức rà soát để sửa đổi, bổ sung các Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn các nội dung về thuế trong hoạt động dầu khí (phụ thuộc vào kết quả rà soát), Cơ quan chủ trì là Bộ Tài chính. Cơ quan phối hợp là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các bộ, ngành liên quan. Thời gian thực hiện: năm 2023-2024.
Đối với nội dung thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Ở Trung ương, cơ quan chủ trì là Bộ Công Thương. Cơ quan phối hợp là Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan. Ở địa phương, Cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp do Ủy ban nhân dân các cấp quyết định.
Về việc theo dõi tình hình tổ chức thi hành pháp luật về dầu khí, cơ quan chủ trì là Bộ Tư pháp. Cơ quan phối hợp là các bộ, ngành, địa phương liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao. Đây cũng là nội dung triển khai thực hiện hằng năm.
Để triển khai các nội dung nhiệm vụ này kịp thời, thống nhất, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi quản lý của bộ, ngành và địa phương mình chủ động, tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch này theo nhiệm vụ được phân công, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí, gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời phản ánh về Bộ Công Thương để phối hợp giải quyết hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Ngoài ra, Bộ Công Thương có trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan khác có liên quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch theo đúng tiến độ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Kế hoạch này. Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.