YouTuber giàu nhất chỉ trích TikTok vì quảng cáo deepfake tặng 10.000 iPhone 15 Pro giá 2 USD
Thế giới số - Ngày đăng : 11:02, 04/10/2023
Cần lưu ý là iPhone 15 Pro ở Mỹ có giá thực từ 999 USD.
Video quảng cáo này có vẻ giống chính thức vì bao gồm cả logo của MrBeast (YouTuber giàu nhất thế giới) và dấu kiểm màu xanh bên cạnh tên anh. Song với những người dùng am hiểu về internet, dấu vết thao túng của AI rất rõ ràng. Giọng YouTuber này nghe có vẻ méo mó và cử động miệng của anh trông kỳ lạ.
Deepfake là một từ ghép của deep learning (học sâu) và fake (giả mạo), thường chỉ các phương pháp và công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học sâu để tạo ra hoặc chỉnh sửa nội dung video và âm thanh sao cho giống người thật. Cụ thể, deepfake thường được sử dụng để thay đổi gương mặt và giọng điệu của các người nổi tiếng trong video hoặc tạo ra video giả mạo họ trong các tình huống hoặc hành động mà họ không thực sự tham gia.
Deepfake đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong thế giới truyền thông và giải trí, vì được sử dụng để tạo ra thông tin sai lệch, lừa dối người xem, hoặc xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Tuy nhiên, cũng có các ứng dụng sáng tạo của deepfake trong lĩnh vực điện ảnh, video truyền hình và giảng dạy.
Một người dùng đã bình luận về quảng cáo: “Chỉ những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (từ năm 1946 đến năm 1964) mới tin nội dung này”.
"Chà! TikTok bạn thật giỏi trong việc kiểm duyệt quảng cáo", một người khác mỉa mai TikTok.
MrBeast đã xác nhận rằng quảng cáo này không có thật trong bài đăng trên mạng xã hội khi viết: “Rất nhiều người đang nhận được quảng cáo lừa đảo deepfake này… Các nền tảng truyền thông xã hội đã sẵn sàng để xử lý sự gia tăng của deepfake AI chưa? Đây là một vấn đề nghiêm trọng”.
Khi được yêu cầu bình luận, người phát ngôn của TikTok cho biết công ty đã xóa quảng cáo đó trong vòng vài giờ sau khi đăng và gỡ tài khoản được liên kết với quảng cáo vì vi phạm chính sách.
Trên trang chính sách quảng cáo của mình, TikTok cho biết cấm “phương tiện tổng hợp có chứa hình ảnh hoặc âm thanh của người thật”. Công ty cũng chặn các quảng cáo vi phạm nhãn hiệu và hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ khác.
“Các nhà quảng cáo có trách nhiệm đảm bảo rằng bất kỳ phương tiện truyền thông tổng hợp có chứa hình ảnh người nổi tiếng đều có sự đồng ý từ họ trước khi sử dụng trong quảng cáo theo cách này”, TikTok viết.
Đại diện của MrBeast từ chối bình luận khi được trang Insider đặt câu hỏi.
Sinh ngày 7.5.1998 ở Mỹ, MrBeast có tên thật là Jimmy Donaldson. Anh lập kênh YouTube có tên MrBeast từ năm 13 tuổi. Ban đầu MrBeast thường đăng những video thử thách mạo hiểm, thậm chí cả những trò đùa dại dột lên kênh YouTube của mình.
Tài khoản MrBeast trở nên nổi tiếng và được biết đến nhiều hơn vào năm 2021, khi anh tổ chức trò chơi mô phỏng theo bộ phim Squid Game nổi tiếng, trong đó những người tham gia trò chơi và chiến thắng sẽ giành được giải thưởng tiền mặt lên đến 456.000 USD.
Hơn 187 triệu người đăng ký kênh YouTube và hơn 33 tỉ lượt xem là những gì mà MrBeast đang sở hữu. Vượt mặt đàn anh PewDiePie, MrBeast đang là YouTuber thành công nhất và có nhiều lượt đăng ký nhất thế giới hiện tại. Ngoài ra, MrBeast cũng sở hữu một số thương hiệu kinh doanh khác nhau.
Ước tính tài sản của YouTuber này lên đến hơn 500 triệu USD (hơn 12.000 tỉ đồng) dù chỉ mới 25 tuổi.
Mr.Beast là một trong những YouTuber đầu tư nhất cho các video của mình. Anh nổi lên từ những nội dung gây tò mò và kích thích người xem ngay từ tiêu đề "10.000 USD cho mỗi ngày bạn sống sót trong tù" hay "Tôi đã sống sót ở Nam Cực sau 50 giờ"...
Tiêu đề gây ấn tượng mạnh sẽ kích thích người dùng YouTube ngay từ bước đầu tiên để chọn xem video của MrBeast. Việc giật tít trong nhiều trường hợp sẽ phản tác dụng, nhưng với MrBeast thì không. Nội dung của anh được đầu tư công phu và bài bản. Thậm chí, MrBeast còn tái hiện những thử thách như Squid Game ngoài đời hay những trò chơi có phần thưởng khổng lồ lên đến cả trăm nghìn USD.
Ngoài ra, MrBeast còn gây ấn tượng bằng việc biên tập các video của mình khiến chúng giống như một chương trình truyền hình có nhiều phần. Điều này cũng tạo nên hứng thú với khán giả và khiến họ càng thêm chờ đón bất ngờ ở phần kế tiếp.
MrBeast xây dựng hình tượng của mình là người cực kỳ hào phóng và sẵn sàng cho tiền những ai mà anh gặp. Trong video, MrBeast có thể cho người khác cả nghìn USD, thậm chí là nhiều hơn thế nếu như may mắn gặp anh.
Hơn nữa, MrBeast cũng thường xuyên đi đầu trong các hoạt động thiện nguyện và chi hàng triệu USD để làm việc này. Mới đây, nam YouTuber đã tài trợ cho một chương trình giúp 1.000 người khiếm thính được nghe lần đầu tiên.
Cuối tháng 6, MrBeast nói rằng anh đã được mời tham gia vào chuyến đi trên tàu lặn Titan của công ty OceanGate Expeditions, nhưng từ chối lời đề nghị đó.
Trong bài đăng trên Twitter, MrBeast đã chia sẻ một tin nhắn cho biết được mời tham gia chuyến đi mà anh mô tả là "tàu ngầm Titanic".
MrBeast không chỉ ra đó là tàu lặn Titan vừa gặp nạn và cũng không làm rõ ai đã gửi tin nhắn. Ảnh chụp màn hình dường như hiển thị bong bóng iMessage màu xanh, làm cho việc xác định người gửi trở nên không rõ ràng.
"Tôi sẽ đi đến tàu Titanic bằng một con tàu lặn vào cuối tháng này. Đội ngũ sẽ rất vui mừng nếu có anh đi cùng", trích nội dung tin nhắn gửi đến MrBeast.
YouTuber giàu nhất thế giới cho biết anh đã từ chối lời đề nghị này. "Khá đáng sợ khi nghĩ rằng tôi đã có thể xuất hiện trên đó", MrBeast viết.
Tàu lặn Titan bị nổ tung sau khi lặn xuống địa điểm có xác tàu Titanic. Tất cả 5 hành khách, gồm cả Sotckton Rush (Giám đốc điều hành OceanGate Expeditions), đã tử nạn trong vụ việc.
Nội dung trái phép do AI tạo ngày càng phổ biến
Nội dung trái phép do AI tạo ra có sự góp mặt của những người nổi tiếng ngày càng trở nên phổ biến trong thế giới quảng cáo trên các mạng xã hội. Hai ngày trước, nam diễn viên Tom Hanks đã đăng cảnh báo tới người hâm mộ về một video quảng cáo chào bán một chương trình nha khoa có phiên bản AI của ông được tạo mà không xin phép. Elon Musk và Leo DiCaprio từng gặp phải những thách thức tương tự.
Vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn khi công nghệ AI được cải thiện và trở nên phổ biến rộng rãi hơn.
Không phải tất cả nội dung quảng cáo do AI tạo ra có sự góp mặt của người nổi tiếng đều xấu, như một chiến dịch gần đây được phối hợp giữa Lionel Messi và Lay's đã chứng minh. Điều quan trọng là sự minh bạch.
Henry Ajder, nhà nghiên cứu học thuật kiêm chuyên gia về generative AI và deepfake, nói: “Nếu ai đó phát hành một quảng cáo do AI tạo ra mà không tiết lộ, ngay cả khi nó hoàn toàn vô hại, tôi vẫn nghĩ rằng quảng cáo đó nên được gắn nhãn và được đặt tên cho khán giả có thể hiểu được”.
TikTok nhận thức được rằng nội dung do AI tạo ra đã trở nên phổ biến trên nền tảng của họ, khi các phiên bản deepfake của Tom Cruise, Tổng thống Biden, cựu Tổng thống Trump lan truyền và các bài hát do AI tạo ra gắn liền với các nghệ sĩ như Drake trở nên phổ biến.
Tháng trước, TikTok đã phát hành một công cụ mới để giúp người sáng tạo gắn nhãn nội dung được tạo bằng AI và cho biết công ty sẽ bắt đầu thử nghiệm cách để đánh dấu tự động nội dung do AI tạo.
Công ty Trung Quốc viết: “AI mang lại những cơ hội sáng tạo đáng kinh ngạc nhưng có thể gây nhầm lẫn hoặc đánh lừa người xem nếu họ không biết nội dung được tạo hoặc chỉnh sửa bằng AI”.