Hỗn loạn chính trị có thể gây hại cho kinh tế Mỹ

Quốc tế - Ngày đăng : 09:40, 05/10/2023

Đài CNN cảnh báo nguy cơ hỗn loạn chính trị hiện tại làm kinh tế Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm và chịu thiệt hại nặng nề một lần nữa.

Mùa hè vừa qua, đối đầu gay gắt giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đẩy Mỹ đến bờ vực vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. May mắn là hai bên đạt thỏa thuận nâng trần nợ công vào phút chót.

Cuối tuần trước, chính phủ nước này lại thoát khỏi nguy cơ ngừng hoạt động một cách sít sao nhờ Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được thỏa thuận với đảng Dân chủ. Nhưng dự luật cấp ngân sách không có các nội dung mà phe cực hữu đảng Cộng hòa yêu cầu đã dẫn đến nỗ lực phế truất Chủ tịch McCarthy do Hạ nghị sĩ Matt Gaetz dẫn dắt. Họ đã thành công trong cuộc bỏ phiếu lịch sử ngày 3.10.

Theo CNN, loạt diễn biến mới nhất có thể bị Moody’s chú ý. Đây là hãng xếp hạng tín nhiệm lớn cuối cùng vẫn còn giữ Mỹ ở bậc AAA cao nhất.

honus.jpg
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy vừa bị phế truất - Ảnh: CNN

Hai lần bị hạ bậc

Lần đầu Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm xảy ra vào năm 2011, do hãng S&P thực hiện. Dù giới nghị sĩ Mỹ thành công đạt thỏa thuận ngăn vỡ nợ nhưng S&P vẫn nghi ngờ về độ tin cậy của chính phủ nước này trong thanh toán trái phiếu đúng hạn. Động thái này lập tức khiến thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh còn lợi tức trái phiếu tăng cao.

Đến tháng 8 năm nay, hãng Fitch viện dẫn sự chia rẽ chính trị ngày càng lớn và viễn cảnh suy thoái tài chính trong 3 năm tới để hạ bậc tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+. Quyết định gây ra một đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán và đẩy lãi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ kỳ hạn 10 năm lên mức cao nhất kể từ tháng 11.2022. Sau đó tình hình ổn định trở lại.

Nguy cơ ngay trước mắt

Giờ đây mọi sự chú ý đổ dồn về Moody’s - hãng duy trì bậc AAA cho Mỹ từ năm 1917 đến nay. Tuần trước đơn vị này cảnh báo nếu chính phủ Mỹ đóng cửa thì họ buộc phải hạ bậc tín nhiệm.

“Mặc dù khả năng thanh toán nợ của chính phủ không bị ảnh hưởng và việc đóng cửa trong thời gian ngắn khó có thể làm gián đoạn nền kinh tế, nhưng tình trạng như vậy cho thấy sự yếu kém trong năng lực quản lý của Mỹ so với các quốc gia được xếp hạng AAA khác vài năm gần đây”, theo Moody’s.

Chính phủ Mỹ thoát nguy cơ ngừng hoạt động không có nghĩa khủng hoảng đã qua đi. Nước này từng trải qua 14 lần chính phủ ngừng hoạt động tính từ năm 1980, nhưng đây mới là lần đầu tiên Hạ viện Mỹ loại bỏ nhân vật lãnh đạo - diễn biến có thể bị Moody’s xem như minh chứng cho chia rẽ chính trị sâu sắc.

Ngay cả khi Moody’s chưa hành động, thị trường cũng trải qua hỗn loạn trước thời điểm cuộc bỏ phiếu phế truất Chủ tịch McCarthy diễn ra. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập niên làm giới đầu tư lo ngại lãi suất vay cao hơn sẽ khiến thị trường nhà đất thêm trì trệ. Ba chỉ số chứng khoán Dow Jones, S&P 500, Nasdaq đều giảm trên 1%.

Nếu Moody’s hạ bậc tín nhiệm thì lãi suất trái phiếu sẽ tăng cao hơn nữa. Chi phí đi vay chắc chắn tăng theo do các tổ chức tài chính thường lấy lãi suất trái phiếu làm căn cứ. Áp lực kinh tế Mỹ phải chịu - thậm chí là rủi ro suy thoái - vì vậy mà gia tăng.

Cẩm Bình