Phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:00, 05/10/2023
Là địa phương có tốc độ phát triển mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ nên huyện Thới Bình luôn có nhiều chủ trương, định hướng về sản xuất cho các xã, thị trấn. Trong đó, xã Trí Lực là đơn vị đi đầu ở loại hình sản xuất này. Toàn xã hiện có 15 tổ sản xuất và 2 hợp tác xã (HTX) thực hiện sản xuất và kinh doanh lúa-tôm.
Hiện ở xã Trí Lực đã hình thành các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp thu mua và HTX địa phương gồm: chuỗi liên kết giữa HTX Trí Lực và Công ty Tấn Vương; chuỗi liên kết giữa HTX Đoàn Phát và Công ty Cỏ May; chuỗi liên kết giữa Công ty TNHH xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú với người dân thông qua HTX Trí Lực và HTX Đoàn Phát.
Cách đây 1 năm, mô hình lúa-tôm sú ở xã Trí Lực đã được Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản - Aquaculture Stewardship Council (ASC) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, chứng nhận ASC về tôm sạch. Đây là cơ hội tốt để nông dân vùng nuôi tôm sú xã Trí Lực bán sản phẩm ra thị trường quốc tế, tăng thu nhập. Sản phẩm tôm sú đạt chứng nhận ASC được Công ty Minh Phú cam kết bao tiêu 100% sản lượng.
Ngoài ra, xã Trí Lực hiện có 2 vùng sản xuất lúa hữu cơ được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN). Trong đó, HTX Đoàn Phát được cấp chứng nhận lúa hữu cơ trên diện tích 50ha; HTX lúa-tôm Trí Lực được cấp chứng nhận lúa hữu cơ trên diện tích 50,6ha. Theo đánh giá của ngành chức năng, năng suất lúa bình quân đạt từ 4,6 - 4,9 tấn/ha.
Sản phẩm gạo hữu cơ xã Trí Lực đang được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 1.000 - 1.500 đồng/kg. Địa phương hiện có 300ha lúa được cấp quyền sở hữu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình”; 600 ha lúa-tôm được cấp chứng nhận ASC về thực hành nuôi trồng sạch theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, sản phẩm gạo ST24 nhãn hiệu gạo Từ Tâm của HTX Đoàn Phát, nhãn hiệu gạo Hoàng Yến của HTX Trí Lực đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Bên cạnh những thuận lợi, nông dân xã Trí Lực đang phải đối diện với những thách thức. Theo đánh giá của địa phương, hiện tại đầu ra chính của 2 HTX Trí Lực và Đoàn Phát là bán cho Công ty Cỏ May và Công ty Tấn Vương. Bà con nông dân chưa chủ động khai thác kênh bán hàng, dẫn đến tình trạng hàng hóa bị động và phụ thuộc vào công ty thu mua.
Bà Dương Chúc Linh, Bí thư Đảng ủy xã Trí Lực cho biết, mặc dù các thành viên HTX đã rất nỗ lực phát triển các sản phẩm nông nghiệp thành phẩm để bán ra thị trường, nhưng do thiếu kiến thức về kinh doanh, chưa xây dựng được bộ máy nhân sự phù hợp, thiếu vốn để đầu tư nên việc kinh doanh lúa, các sản phẩm làm từ lúa và tôm hữu cơ ở địa phương chưa mở rộng được thị trường, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Hà Nội, TP.HCM.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, loại hình nông nghiệp sạch, hữu cơ ở địa phương được sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, đang gặp khó để chuyển đổi sang quy mô hàng hóa. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ còn thấp. Ngoài việc một số ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sạch, hữu cơ, phần lớn nông dân thiếu thông tin về quy trình sản xuất, về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nên gặp nhiều vấn đề trong thực hành sản xuất. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ khó nhân rộng do vốn đầu tư hạ tầng sản xuất ban đầu khá lớn. Các sản phẩm hữu cơ chưa đa dạng và chất lượng không đồng đều, một số sản phẩm đã được xuất khẩu nhưng ở dạng thô nên giá trị còn thấp.
Quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch cơ bản bằng biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học, mất nhiều công lao động, nên giá thành sản phẩm thường cao, dẫn đến thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nhiều hộ nông dân sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún, nên khó khăn trong tập trung sản xuất lớn. Việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn nông sản sạch, nông sản hữu cơ cũng là một thách thức đối với người sản xuất nông nghiệp và nhà quản lý.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Trí Lực, từ thực tế của địa phương, để hình thành một nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, điều quan trọng là cần quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển kinh tế - xã hội mang tính lâu dài bền vững, ổn định; thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, tập trung thu hút đầu tư vào nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sạch. Tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác trên cơ sở liên kết, liên minh để nâng cao hiệu quả kinh tế, có chính sách hỗ trợ giống, vốn, vật tư cho nông dân và khuyến khích người dân tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đối với các HTX, để phát triển bền vững, cần cấu trúc lại bộ máy quản lý, nhân sự và tập trung đào tạo nâng cao năng lực quản lý kinh doanh cho lãnh đạo và các bộ phận chuyên môn của HTX. Đồng thời, các HTX cần được hỗ trợ xây dựng, định vị và tái cấu trúc mô hình kinh doanh.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Thực hiện xúc tiến thương mại, thông qua các kênh thông tin, triển lãm, các hội chợ... để quảng bá thương hiệu hàng nông sản sạch, hữu cơ của huyện Thới Bình. Đặc biệt, cần định hướng các chủ thể xây dựng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn hướng đến nâng hạng các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao; phát triển sản phẩm OCOP đối với sản phẩm tiềm năng, thế mạnh có tính đặc trưng, đặc sản của địa phương.