Bắc Kạn: Công bố kết quả nghiên cứu hiện tượng sụt lún đất tại huyện Chợ Đồn
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:12, 27/05/2020
Sáng 26.5, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn công bố nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt lún đất tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn trong suốt hàng chục năm qua.
Từ năm 2015 đến nay, sụt lún liên tục xuất hiện với tần suất nhiều hơn trên một dải kéo dài khoảng 6,5km ở 3 địa phương gồm xã Ngọc Phái, xã Bằng Lãng và thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn.
Đã có hàng trăm hố sụt lớn nhỏ, trong đó có những hố đường kính lên đến hàng chục mét và làm lún, nứt công trình nhà cửa, trạm y tế, trường học; đồng thời xuất hiện hàng chục điểm sạt trượt mái taluy trên đường giao thông… Hiện tượng này đã trở thành nỗi lo sợ của người dân hàng chục năm qua và làm dấy lên nghi vấn về ảnh hưởng của tình trạng bơm, hút nước quy mô lớn của các mỏ khai thác khoáng sản trong khu vực.
Ông Đinh Quang Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, sau khi nhận thấy địa phương có hiện tượng nổi cộm như vậy, năm 2008, Bộ TN-MT đã bổ sung việc đánh giá, giải quyết sụt lún đất tại huyện Chợ Đồn vào đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”.
Sau hơn 2 năm nghiên cứu, đến nay nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá, giải quyết hiện tượng sụt lún đất tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn” đã có kết quả tổng thể. Nhiệm vụ đã chỉ ra nguyên nhân tổng quan nhất của hiện tượng sụt lún trong suốt 13 năm qua và đưa ra số giải pháp căn cơ chủ yếu.
“Đây là một đề tài khoa học mà tỉnh Bắc Kạn, đặc biệt nhân dân ở khu vực chịu ảnh hưởng của hiện tượng sụt lún ở huyện Chợ Đồn rất mong chờ”, ông Đinh Quang Tuyên đánh giá.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, có 5 nhóm yếu tố tác động trực tiếp đến hiện tượng sụt lún đất tại đây gồm: do cấu trúc địa chất, hệ thống karst ngầm, việc hạ thấp mực nước ngầm, đặc điểm hình thành tầng đất phủ và hoạt động khai thác mỏ trong khu vực.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Trung tâm Công nghệ Địa vật lý và Địa kỹ thuật thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu) cho biết, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường cần rà soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở, đơn vị, tập thể, cá nhân trong vùng có hoạt động bơm hút, sử dụng nguồn nước ngầm. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh có liên quan đến nguồn nước phải tuân thủ theo Luật Tài nguyên nước đã được ban hành.
Ngoài ra, bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh có liên quan đến việc bơm hút, sử dụng nước ngầm với lưu lượng lớn phải được lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đồng thời thiết lập mạng lưới quan trắc biến động mực nước nhằm giám sát, kiểm soát mức độ hạ thấp mực nước, giảm thiểu nguy cơ sụt lún, khô hạn và ô nhiễm nguồn nước.
Ông Khánh đề xuất các hố sụt đất sau khi xuất hiện cần sớm được lấp lại để đảm bảo an toàn cho người dân và vật nuôi; giảm thiểu khả năng gây ô nhiễm nguồn nước. Công tác lấp hố sụt phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hạn chế tối đa khả năng thẩm thấu của nước ở phía trên xuống dưới, để hố sụt không xuất hiện trở lại.
Đan Thuỳ