Những xu hướng phát triển của Chính phủ điện tử, Chính phủ số
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:21, 13/06/2020
Theo Báo cáo xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về Xây dựng, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ TT-TT, Chính phủ điện tử tập trung vào tạo ra hiệu quả hoạt động của Chính phủ từ vận hành đến cung cấp dịch vụ. Trong xu thế mới, Chính phủ điện tử hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và chính quyền thông qua cải cách và chuyển đổi mô hình hoạt động với mục tiêu là cải thiện đời sống người dân và hỗ trợ cho sự phát triển doanh nghiệp.
Bộ TT-TT đã thống kê và phân tích một số xu hướng phát triển. Thứ nhất, về di động, theo thống kê, đến tháng 8.2017, có 3,5 tỉ người sử dụng các thiết bị cầm tay và di động trên toàn thế giới; người dùng sử dụng 69% thời gian dùng điện thoại, các thiết bị di động chiếm 80% băng thông Internet.
Do vậy, xu hướng triển khai các ứng dụng trên thiết bị di động là tất yếu, cung cấp các dịch vụ công thu hút cộng đồng, cung cấp các ứng dụng hướng doanh nghiệp nâng cao hiệu quả của Chính phủ bằng cách giới hạn lượng thời gian con người chi cho các thủ tục giấy tờ…
Thứ hai, việc thu thập dữ liệu 1 lần giúp Chính phủ sử dụng dữ liệu tốt hơn. Với các công nghệ mới hiện nay, các đơn vị hành chính có thể dễ dàng truy xuất dữ liệu và giới hạn số lần truy cập dữ liệu. Công dân lần lượt có quyền sửa đổi hoặc xóa dữ liệu cá nhân và được thông báo về tình trạng sử dụng dữ liệu cá nhân của mình thông qua các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thứ ba, Smartcity (thành phố thông minh) - với việc sử dụng cảm biến trong xe hơi, đèn đường, camera giao thông và lưới điện, dữ liệu và thông tin được tự động thu thập và phân phối, tạo ra các tiện ích cho người dân. Các thành phố thông minh đang được cải thiện hiệu quả cho cuộc sống của người dân trong các lĩnh vực, bao gồm giao thông vận tải, kinh tế, năng lượng và môi trường…
Thứ tư, các lĩnh vực của Chính phủ nhận thức được các lợi ích của việc tự động hóa, sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và các hệ thống thông minh để tạo ra các dịch vụ tự động, lấy người dùng làm trung tâm. Trong tương lai, AI có thể giải phóng 30% lực lượng lao động của Chính phủ trong vòng chưa đầy 1 thập kỷ.
Với sự bùng nổ của khối lượng thông tin khi triển khai, các thông tin được lưu trữ ngày càng nhiều. Do vậy, mối quan tâm của Chính phủ tập trung ngày càng lớn vào xu hướng phát triển an toàn an ninh mạng trước các mối đe dọa từ bên ngoài.
Ngoài ra, với sự bùng nổ dữ liệu dự trữ, việc thu thập dữ liệu theo hướng data lake (dữ liệu thu thập dưới dạng thô từ nhiều nguồn, chưa được phân tích) và data warehouse (dữ liệu thu thập đã qua xử lý từ nhiều nguồn), các cơ quan hành chính có xu hướng thu thập dữ liệu, từ đó phân tích, sử dụng dữ liệu hợp lý với mục tiêu phục vụ tốt nhất cho công dân của họ. Từ đó, các cơ quan Chính phủ có thể hợp nhất số lượng dữ liệu khổng lồ để sử dụng, phân tích, đưa ra các giải pháp cụ thể theo từng tình huống.
Bên cạnh các xu hướng trên, Bộ TT-TT còn thống kê được xu hướng phát triển của Chính phủ số còn bao gồm Nền tảng Chính phủ kỹ thuật số và Sử dụng giao diện lập trình ứng dụng (API). Cụ thể, việc sử dụng nền tảng Chính phủ điện tử giúp cho công dân trên toàn thế giới có nhiều thông tin hơn, thực hiện nhiều việc hơn trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, việc chuyển sang các hệ thống thông tin dựa trên API có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách cung cấp sự tích hợp mạnh mẽ các chuỗi giá trị tổ chức và các đối tác như nhà cung cấp chính quyền. Truy cập dữ liệu thông qua API giúp cải thiện các dịch vụ công cộng.
Thu Anh