Luật Giao dịch điện tử đã tạo nền tảng pháp lý đẩy mạnh ứng dụng CNTT
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:52, 23/06/2020
Luật Giao dịch điện tử đã được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XI ngày 29.11.2005 và có hiệu lực từ ngày 1.3.2006. Để triển khai luật này, Chính phủ đã ban hành 12 Nghị định quy định, sửa đổi và văn bản hướng dẫn trong các hoạt động tài chính, bảo hiểm, thương mại điện tử, ngân hàng và chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Tại Hội thảo Tổng kết thi hành Luật Giao dịch điện tử với chuyên đề “Giao kết hợp đồng, chữ ký, xác thực và thanh toán điện tử", diễn ra ngày 23.6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng đánh giá việc triển khai hợp đồng, chữ ký, xác thực và thanh toán điện tử trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả khả quan. Cụ thể, hiện có hơn 1,4 triệu chứng thư số công cộng và hơn 220 nghìn chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động.
Các giao dịch kê khai và nộp thuế điện tử, kê khai hải quan điện tử, kê khai bảo hiểm xã hội điện tử đều được ký số, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, công sức của doanh nghiệp và người dân khi thực hiện giao dịch.
Quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 đạt khoảng 7,8 tỉ USD, bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến… và sản phẩm số hóa khác. Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2019, nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020, quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỉ USD.
Nhìn chung, “trong 15 năm qua, Luật Giao dịch điện tử đã tạo nền tảng pháp lý đẩy mạng ứng dụng CNTT, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh ứng dụng KH-CN, cải cách hành chính”, Thứ trưởng đánh giá.
Tuy nhiên, sau gần 15 năm triển khai thi hành, Luật cũng đã bộc lộ những bất cập, điểm chưa phù hợp với thực tiễn phát triển. Điển hình như việc thiếu nhất quán trong quy định chi tiết đối với thông điệp dữ liệu về định dạng, thời gian gửi, nhận, lưu trữ, chuyển đổi…; thiếu quy định về xác thực danh tính điện tử đối với các cá nhân, tổ chức trong giao dịch điện tử.
Với những điểm bất cập đó, ông Ngô Tuấn Anh (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam) đề xuất cần phải chú trọng thật sự vào phát triển đồng bộ, bền vững để bứt phá, tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 đang được Chính phủ và toàn dân kỳ vọng.
Đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (CA), ông Tuấn Anh cho rằng cần có chiến lược và quy hoạch đảm bảo về chất lượng và độ tin cậy cao, chi phí hợp lý, mức độ phổ cập rộng. Bên cạnh đó, cần phân định rõ ràng khả năng kiểm định độc lập (chứng cứ độc lập) với hệ thống khởi tạo giao dịch điện tử về khía cạnh pháp lý và kỹ thuật cho các tiêu chí như đảm bảo toàn vẹn dữ liệu điện tử; chống chối bỏ hành vi đối với dữ liệu điện tử; định danh điện tử; xác thực điện tử.
Thu Anh