Phát triển Chính phủ điện tử: Việt Nam học hỏi được gì từ các nước phát triển?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:42, 24/06/2020
Các chính phủ trên thế giới đã và đang đối mặt với thách thức chuyển đổi số và cần thiết phải đổi mới cách thức hoạt động để cung cấp thông tin, dịch vụ một cách hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan thông qua phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông.
Theo Báo cáo xây dựng nghị quyết của Chính phủ về Xây dựng, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ TT-TT, việc sử dụng giao diện lập trình ứng dụng API đang được các quốc gia như Úc, Singapore, Hàn Quốc, Phần Lan… áp dụng để tăng cường nền tảng của chính phủ và chuyển đổi chính phủ thành một địa chỉ hoàn toàn tích hợp.
Cụ thể, tại Singapore, chính quyền đã tiết kiệm 11,5 triệu USD chi phí ứng dụng cho 70 cơ quan chính phủ thông qua chia sẻ dữ liệu không gian địa lý thông qua API và dịch vụ web của GeoSpace. Kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan giúp việc điều chỉnh ứng dụng nhanh hơn 30%, giảm chi phí lưu trữ 60% và giảm thiểu dữ liệu trùng lặp.
Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai giải pháp Trung tâm chia sẻ dữ liệu hành chính (PISC) để phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hành chính giữa các cơ quan chính phủ. Trước khi triển khai PISC, để chuẩn bị hồ sơ vay tín dụng với từ 5 loại giấy tờ trong hồ sơ trở lên, người dân và doanh nghiệp thường mất khoảng 5 ngày; trong khi hiện việc làm này gần như có thể thực hiện tức thời trên một giao diện màn hình.
Tuy nhiên, trong quá trình chia sẻ dữ liệu, việc bảo mật dữ liệu riêng tư là yếu tố vô cùng quan trọng. Báo cáo của Bộ TT-TT cũng đã chỉ ra rằng tại các quốc gia phát triển, đặc biệt là ở châu Âu, luật bảo mật thông tin (GDPR) đã được ban hành thống nhất từ tháng 5.2018 trên toàn bộ 28 quốc gia và là quy định bắt buộc mọi công ty hoạt động tại châu Âu phải tuân thủ. Trong luật này có những quy định quan trọng thúc đẩy việc bắt buộc chia sẻ và cập nhật dữ liệu như quyền được truy vấn thông tin, quyền được chỉnh sửa thông tin và quyền được biết thông tin…
Ngoài ra, với các nước phát triển, việc áp dụng điện toán đám mây là vô cùng cần thiết. Chính phủ Nepal đã chi khoảng 30 triệu USD để xây dựng Trung tâm Dữ liệu đầu tiên cho chính phủ; năm 2009, Chính quyền Mỹ đã đầu tư 180 triệu USD để xây dựng một trung tâm dữ liệu mới. Tuy nhiên, các chi phí này sẽ được giảm đáng kể khi triển khai trên nền điện toán đám mây.
Nhìn chung, hầu hết các quốc gia đều đã có kế hoạch áp dụng điện toán đám mây trong khu vực công ở mức độ và quy mô quốc gia nhằm đảm bảo quyền riêng tư và vấn đề bảo mật, giảm thiểu chi phí cho hạ tầng công nghệ thông tin. Điển hình như việc Pháp, Tây Ban Nha, Thái Lan… đã triển khai hoặc có kế hoạch xây dựng một đám mây chính phủ dưới dạng đám mây riêng sử dụng cho các dịch vụ của chính phủ; và đám mây công cộng.
Trong báo cáo này, Bộ TT-TT còn nhấn mạnh tới xu thế phát triển, điển hình như nền tảng định danh số quốc gia; phát triển không gian làm việc số; phát triển các nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống người dân như ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, phúc lợi xã hội, y tế…
Thu Anh