TP.HCM: Cả 5 huyện đều chưa đủ tiêu chuẩn nâng cấp thành quận

Sự kiện - Ngày đăng : 20:10, 05/10/2023

Hiện nay cả 5 huyện ngoại thành ở TP.HCM đều chưa đủ tiêu chuẩn, tiêu chí nâng cấp thành quận nên UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện nghiên cứu xây dựng Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận, hoặc thành phố.

Tại cuộc họp báo thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch TP.HCM vào chiều 5.10, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Phó giám đốc Sở nội vụ TP.HCM, cho biết sở dĩ trong đề án sắp xếp đơn vị hành chính có thêm việc đưa một số huyện lên thành phố là do cả 5 huyện của TP chưa đủ tiêu chuẩn, tiêu chí nâng cấp thành quận.

tphcm-ca-5-huyen-deu-chua-du-tieu-chuan-nang-cap-thanh-quan-hinh-anh.png
Huyện Hóc Môn là 1 trong 5 huyện của TP.HCM chưa đủ tiêu chuẩn, tiêu chí để nâng cấp thành quận - Ảnh: PV

Theo bà Thắm, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, theo đó một trong những chương trình đột phá về đổi mới quản lý của TP là “Chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021 -2030”.

Theo quy định điều kiện để thành lập đơn vị hành chính đô thị hoặc nâng cấp từ đơn vị hành chính nông thôn (huyện) thành đơn vị hành chính đô thị (thị xã, thành phố, quận) phải phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chương trình phát triển đô thị và đơn vị hành chính đó phải đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn của loại đô thị và loại đơn vị hành chính.

“Qua rà soát số liệu hiện trạng tiêu chuẩn đô thị, tiêu chuẩn đơn vị hành chính của 5 huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ) thì cả 5 huyện này đều chưa đủ tiêu chuẩn, tiêu chí để nâng cấp thành quận”, bà Thắm thông tin.

Do đó, để đảm bảo điều kiện, cơ sở cho việc “Chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021 - 2030”, bà Thắm cho biết, UBND TP đã chủ trương và chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện nghiên cứu xây dựng Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở Nội vụ cũng cho biết, TP đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; lập Chương trình phát triển đô thị TP song song với công tác lập Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn phân loại đô thị để xây dựng Đề án công nhận loại đô thị tương ứng đối với từng thành phố dự kiến thành lập trong tương lai trên ranh giới hành chính các huyện hiện hữu.

Trên cơ sở đáp ứng các điều kiện về sự phù hợp quy hoạch, phân loại đô thị và loại đơn vị hành chính, TP sẽ xây dựng các Đề án thành lập đơn vị hành chính mới, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Liên quan đến việc sắp xếp lại tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, nhiều nơi dùng tên gọi là thôn, tổ dân phố, bà Thắm cho biết theo quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố thì tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã có tên gọi là: thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc... gọi chung là thôn.

Tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú không một khu vực ở một phường, thị trấn có tên gọi là: tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu... gọi chung là tổ dân phố.

“Như vậy, theo quy định của pháp luật, thôn và ấp là tên gọi tương đương nhau để nói về tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã; tương tự tổ dân phố và khu phố là tên gọi tương đương nhau để nói về tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một phường, thị trấn. Việc dùng tên nào đối với tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, mỗi địa phương sẽ nghiên cứu, sử dụng tên sao cho phù hợp”, bà Thắm chia sẻ.

Hồ Quang