Cần xử lý nghiêm việc xây dựng các công trình không phép ở núi Cấm
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:50, 05/10/2023
Qua đó, đã và đang góp phần phát huy tiềm năng cũng như lợi thế sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa tại vùng đất Bảy Núi. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng các công trình không phép trên đất lâm nghiệp và cả đất quốc phòng tại khu du lịch núi Cấm đã gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Có chăng buông lỏng quản lý?
Mấy năm trở lại đây, tại các vị trí đất có "view" đồi núi đẹp ở núi Cấm, được các chủ sở hữu hay những nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh quan tâm tìm mua hoặc thuê để đua nhau xây dựng các công trình nghỉ dưỡng bất chấp các quy định về đất đai.
Một thực tế không thể phủ nhận đó là những kết quả khả quan bước đầu trong công tác quy hoạch làm cơ sở triển khai thu hút đầu tư phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại thị xã Tịnh Biên đã được tỉnh An Giang chỉ đạo thực hiện tốt.
Tuy nhiên, trong công tác quản lý về trật tự xây dựng tại núi Cấm vẫn còn đó rất nhiều bất cập.
Cụ thể, tại ấp Thiên Tuế (xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên) đã xuất hiện 10 công trình xây dựng không phép trên đất lâm nghiệp và cả đất quốc phòng, vi phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai và trật tự xây dựng. Đây cũng chính là một trong những tác nhân gây ảnh hưởng tới nguồn tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng tới môi trường…
Điều đáng nói, 10 công trình này đã được chính quyền, ban ngành liên quan của thị xã Tịnh Biên lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu khôi phục lại hiện trạng ban đầu nhưng không hiểu vì sao các khu vực xây dựng không phép này vẫn tồn tại và hoạt động kinh doanh.
Thậm chí một số công trình này sau khi bị lập biên bản vẫn tiếp tục hoạt động và còn được quảng cáo công khai trên các nền tảng xã hội mà không bị xử lý.
Một người dân (ngụ xã An Hảo) cho biết, không bao giờ có chuyện xây dựng mà chính quyền không biết. Vì chỉ cần xây dựng một công trình nhỏ thì kiểu gì cán bộ của địa phương cũng có mặt.
“Nếu ngay từ đầu mà kiên quyết xử lý thay vì chỉ lập biên bản để đó thì không ai dám ngang nhiên xây dựng cả 10 công trình quy mô hàng tỉ đồng rồi kinh doanh thu lợi như nhiều năm qua”, người dân này nói.
Một thực tế cho thấy ở núi Cấm, khi phát hiện ra vi phạm trong trật tự xây dựng tại các cơ sở, cán bộ chuyên môn thường chỉ lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, không có biện pháp ngăn chặn theo quy định ngay từ đầu khi các công trình này chưa đầu tư lớn.
Chỉ đến khi dư luận lên tiếng, có chỉ đạo xử lý từ cấp tỉnh thì lúc này các khu vực xây dựng không phép đã được hình thành, đi vào hoạt động kinh doanh trong một thời gian dài…
Và khi đó, cơ quan quản lý nơi đây mới tổ chức tuyên truyền vận động hay ra quyết định yêu cầu ngừng hoạt động, trả lại hiện trạng ban đầu, gây nghi ngại không đáng có cùng những thiệt hại về kinh tế cho chủ sở hữu.
Địa phương lên tiếng
Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới thì tại ấp Thiên Tuế (xã An Hảo) nơi tập trung nhiều công trình nghỉ dưỡng lớn nhỏ, là điểm nghỉ ngơi của đông đảo du khách dịp cuối tuần.
Tại một công trình không phép có tên gọi “T.C.S”, chủ đầu tư đã cất được gần 20 lều với tổng diện tích 1.000m2 để phục vụ khách du lịch. Giá lều/phòng tại đây khoảng vài trăm nghìn đồng/đêm vào những ngày cuối tuần, có khá đông khách đặt trước.
Theo tìm hiểu, các công trình này hình thành từ năm 2019. Chính quyền và ngành chức năng địa phương nhiều lần lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính chủ đầu tư nhưng không xử lý quyết liệt, dứt điểm, yêu cầu trả lại nguyên trạng. Đến nay, các công trình xây dựng không phép trên vẫn ngang nhiên tồn tại.
Không chỉ xây dựng trên đất rừng, chủ các công trình vi phạm còn tổ chức kinh doanh đồ ăn, thức uống, cho khách thuê phòng lưu trú qua đêm.
Hầu hết các công trình nói trên được xây cất trên địa hình lồi lõm, nằm cheo leo trên các mỏm đồi có độ dốc cao, có nguy cơ bị sạt lở, ngã đổ bất cứ lúc nào.
Qua trao đổi với Ban quản lý khu du lịch núi Cấm được biết, núi Cấm được chính quyền địa phương quy hoạch là đất rừng, cũng là khu vực phòng thủ. Do đó, từ năm 2002, UBND tỉnh An Giang đã có chỉ thị về quản lý núi Cấm, trong đó nghiêm cấm việc mua bán, sang nhượng đất đai và xây dựng trên vùng đất này.
Tuy nhiên, hiện nay trên núi Cấm có rất nhiều công trình xây dựng không phép, trong đó có 10 công trình nói trên.
Ông Phạm Thành Nhơn - Chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên cho biết 10 công trình trên núi Cấm được xây dựng không phép; vị trí các công trình này xây dựng là đất rừng tự nhiên.
Vì sao các công trình này hình thành, tồn tại trên đất rừng nhiều năm nhưng chính quyền và ngành chức năng địa phương không xử lý dứt điểm? Có hay không việc "làm lơ", "tiếp tay" để các công trình vi phạm tồn tại?
Trước những câu hỏi này, ông Phạm Thành Nhơn khẳng định: “Không có chuyện cán bộ tiếp tay, mà là do chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong việc xử lý các công trình này giữa các cấp”.
Theo ông Nhơn, ngay từ đầu, chủ trương của địa phương là xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trên. Tuy nhiên, cuối năm 2022, khi làm việc với địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư (đã bị bắt trong một vụ án) có ý kiến chỉ đạo tạm thời cho các công trình này tồn tại, với điều kiện giữ nguyên hiện trạng và giao UBND thị xã Tịnh Biên quản lý, lập quy hoạch, không được phát sinh thêm công trình không phép.
“Gần đây, trên Núi Cấm xuất hiện nhiều vị trí có nguy cơ sạt lở. Để đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là du khách tham quan, lưu trú tại các công trình trên, UBND thị xã Tịnh Biên đã có báo cáo cụ thể tình hình quản lý đất đai, xây dựng trên núi Cấm với UBND tỉnh An Giang, đồng thời đề nghị cho cưỡng chế 10 công trình này”, ông Nhơn thông tin.
Khi báo chí đặt câu hỏi bao giờ xử lý dứt điểm các công trình xây dựng và kinh doanh không phép trên núi Cấm với một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang thì được vị này thông tin, Thường trực UBND tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND thị xã Tịnh Biên kiểm tra, rà soát, báo cáo cụ thể quá trình xây dựng, tồn tại của 10 công trình nói trên. Ngày 5.10, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ họp cho ý kiến xử lý.
“Quan điểm chung của tỉnh An Giang là xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Sau cuộc họp, Ban Cán sự Đảng, UBND tỉnh An Giang sẽ đưa ra biện pháp xử lý dứt điểm 10 công trình xây dựng trên đất rừng nêu trên và sẽ thông tin cụ thể đến báo chí”, vị này nói.
Khó khăn trong công tác xử lý
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý 10 công trình xây dựng không phép, một cán bộ địa phương cho rằng, việc tuyên truyền, vận động đối với những chủ công trình xây dựng có quy mô lớn trước đó đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi số tiền đầu tư của họ rất nhiều, đã xây dựng với quy mô lớn.
“Tuy nhiên, quan điểm của địa phương là kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật nếu được chỉ đạo từ cấp trên”, vị cán bộ này nói.
Thị xã Tịnh Biên là một trong những địa phương có thế mạnh phát triển du lịch. Và thực tế du lịch trong thời gian qua đã và đang tạo được nhiều công ăn, việc làm với thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, không vì thế mà để du lịch phát triển tự phát dẫn đến nhiều hệ lụy trong tương lai, thiếu bền vững, không đảm bảo an toàn cho du khách và người dân.
Trước đó, khoảng 13 giờ 30 ngày 3.10, trên núi Cấm xảy ra vụ sạt lở đất, đá. Theo thống kê ban đầu của chính quyền địa phương, vụ sạt lở đã làm hư hỏng mái taluy đường, hộ lan cứng và làm sập rào chắn lưới. Khu vực ảnh hưởng có diện tích ngang 20m, dài theo mái dốc khoảng 40m, khối lượng đất đá khoảng 50m3.
Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND thị xã Tịnh Biên đề nghị UBND tỉnh An Giang cho tạm dừng các phương tiện lưu thông lên, xuống núi Cấm trong 4 ngày. Đồng thời, có chủ trương thực hiện dự án xử lý khẩn cấp, ngăn chặn sạt lở đất đá dọc hai bên tuyến đường chính lên, xuống núi Cấm. Trên núi Cấm hiện có 397 vị trí có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá.