Tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý rác viễn thông
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:23, 06/07/2020
Trong 6 tháng cuối năm 2020, Cục Viễn thông sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đơn vị, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế để mở rộng vai trò của Việt Nam theo hướng hiện thực hóa nhiệm vụ đưa viễn thông trở lại thứ hạng cao trên thế giới; tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý rác viễn thông (SIM rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác); triển khai các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi giả mạo số điện thoại, ngăn chặn tình trạng mua bán SIM kích hoạt sẵn…
Gần đây, để hạn chế tình trạng "rác" viễn thông, Cục Viễn thông đã đưa ra nhiều giải pháp như yêu cầu nhà mạng cắt liên lạc thuê bao phát tán cuộc gọi rác từ tháng 7, hay doanh nghiệp viễn thông phải dừng bán bộ hòa mạng tại các đại lý ủy quyền...
Theo “Báo cáo đánh giá tình hình công tác quản lý Nhà nước 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020” của Bộ TT-TT, từ ngày 1.6, nhằm chủ động ngăn chặn tình trạng mua bán SIM kích hoạt sẵn, các doanh nghiệp viễn thông di động đã chủ động triển khai việc ngừng cung cấp SIM mới tới các đại lý ủy quyền (chỉ tập trung phát triển thuê bao tại các cửa hàng của chính doanh nghiệp hoặc do nhân viên doanh nghiệp bán hàng trực tiếp…).
Bộ TT-TT đã chỉ đạo Cục Viễn thông gửi công văn (3 lần) yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông báo cáo giá cước công ích để triển khai Thông tư số 02/2020/TT-BTTTT về giá cước dịch vụ viễn thông công ích.
Bên cạnh đó, tỷ lệ chuyển mạng thành công dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số đạt hơn 80%. Tỷ lệ thuê bao chưa chuyển được mạng là gần 20%. Tỷ lệ các nhà mạng từ chối sai (tức là thuê bao đủ điều kiện chuyển mạng nhưng nhà mạng đưa ra lý do không đúng với các quy định về điều kiện chuyển mạng) là khoảng 4%. Với tập thuê bao này, Bộ đã kiểm tra, đối soát hàng ngày và yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải thực hiện việc chuyển mạng ngay sau khi đối soát xác định là từ chối sai…
Trước đó, trong tình hình cả nước chung tay phòng, chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp viễn thông vừa triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nhưng vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, các doanh nghiệp viễn thông đã tập trung nguồn lực, thiết lập hệ thống giao ban trực tuyến giữa Bộ Y tế và các bệnh viện có liên quan; nhắn tin tuyên truyền; miễn cước cuộc gọi đến số hotline; miễn cước truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế; thay đổi logo; cài đặt âm báo; cung cấp wifi miễn phí tại các khu vực cách ly tập trung đông người, cung cấp tài khoản miễn phí, miễn cước phí sử dụng data di động cho học sinh và giáo viên khi sử dụng các giải pháp đào tạo trực tuyến với gần 30 ngàn trường...
Đặc biệt, hoạt động nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2020 của lĩnh vực Viễn thông phải kể đến việc các doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone, Gtel) đã ký thỏa thuận chia sẻ sử dụng chung cơ sở hạ tầng năm 2020 với tổng số gần 2.200 trạm, dưới sự chứng kiến của Bộ TT-TT.
Việc ký kết này nhằm hiện thực hóa Chỉ thị số 52/CT-BTTTT ngày 11.11.2019 của Bộ trưởng Bộ TT-TT. Đây là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp viễn thông khác tiếp tục thúc đẩy hợp tác tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động.
Thu Anh