Rừng ngập mặn - Bài 5: Thách thức trong việc phục hồi rừng ngập mặn ở ĐBSCL
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 06:00, 07/10/2023
"Thủ phạm" là thiên nhiên và con người
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam với độ cao trung bình gần 150cm và diện tích khoảng 41.000km2. ĐBSCL sản xuất hơn 50% lượng gạo và hơn 65% lượng thủy sản ở Việt Nam. Tuy nhiên, ĐBSCL đang trước nguy cơ do nước biển dâng, xâm nhập mặn, bão, xói mòn, lũ lụt, sụt lún đất...
Sau hàng nghìn năm được bồi tụ đất tự nhiên ngày càng tăng, nay xu hướng dường như đang đảo ngược. Hơn một nửa bờ biển dài 720km của ĐBSCL đang bị xói mòn. Việc mất đất rừng ven biển là điều đặc biệt nhạy cảm bởi vành đai xanh này giúp ổn định các bờ biển có nhiều bùn đọng bằng cách làm giảm sóng dâng bẫy cát mịn và đất sét. Bất chấp những nỗ lực to lớn để phục hồi rừng ngập mặn vành đai, trung bình khoảng 1.600ha được trồng mỗi năm, sự mất đất rừng đang tiếp tục diễn ra.
Chính phủ cũng như dân chúng đã nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của "bức tường xanh" trong sự hạn chế thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra; phòng chống xói lở bờ biển, cố định đất bãi bồi, mở rộng sản xuất, hạn chế tình trạng mặn xâm nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản ổn định và bền vững thông qua việc chặn gió biển, cải tạo làm sạch môi trường... Vì vậy, chính phủ và người dân đặc biệt chú trọng đến việc trồng rừng, tái trồng rừng, lựa chọn loài cây phù hợp, và quản lý RNM. Gìn giữ, bảo vệ và phát triển RNM là yếu tố then chốt để bảo vệ bờ biển ĐBSCL.
Rừng ngập mặn ĐBSCL chiếm hơn 60% tổng diện tích RNM ở Việt Nam. Dưới tác động của biến đổi khí hậu và con người, diện tích RNM tại khu vực này bị suy giảm nghiêm trọng. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tổng diện tích rừng ngập mặn ĐBSCL giảm từ 185.800ha năm 1973 xuống còn 102.160ha vào năm 2020, trong đó mất 2.150ha/năm do mở rộng nuôi trồng thủy sản và 430ha/năm do xói mòn bờ biển. Từ năm 2015 đến nay, 10.042ha rừng ngập mặn đã được trồng và phục hồi. Dự kiến giai đoạn 2022-2025 tiếp tục trồng thêm 2.631ha nữa.
Những thách thức lớn
Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình, chế độ dòng chảy và thiếu các ưu đãi tài chính nên việc khôi phục RNM ở ĐBSCL đang gặp khó khăn. Hơn thế nữa, RNM vùng này còn bị sức ép nặng nề từ ngành thủy sản nuôi tôm. Nguyên nhân khác nữa là việc chuyển mục đích sử dụng đất hợp pháp sang nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, xây dựng đê bao, khu công nghiệp, cảng biển, khai thác gỗ... Đặc biệt, ở từng địa phương, khâu quy hoạch rừng còn thiếu ổn định, thường bị điều chỉnh do nhu cầu sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế địa phương. Việc quản lý, bảo vệ RNM của các cơ quan chức năng hiện còn thiếu sự đồng bộ ở nhiều địa phương; việc triển khai, áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng, tái sinh RNM ở nhiều địa phương chưa mang lại hiệu quả thiết thực… Ngoài ra, gió bão, sóng biển cũng là nguyên nhân làm thu hẹp diện tích RNM. Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến RNM...
Theo giả định của Bộ Tài nguyên - Môi trường, nếu nước biển dâng lên 1m thì tính đến cuối thế kỷ 21 sẽ có hơn 70% diện tích rừng ngập mặn bị xóa sổ, đồng nghĩa với việc ĐBSCL sẽ mất gần 2.000 tỉ đồng (thời giá năm 2020) về các dịch vụ liên quan đến RNM.
Một vành đai RNM, được trồng mới hoàn toàn hoặc một phần, sẽ góp phần giảm thiểu những thách thức, nhưng quan trọng vẫn là các biện pháp bảo vệ vùng ven biển. Do vậy ĐBSCL cần phải có cách tiếp cận tổng thể và toàn diện để tạo ra các điều kiện thích hợp và dài hạn cho việc xây dựng và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng màu xanh bảo vệ vùng ven biển. Mọi hoạt động phải gắn với định hướng phát triển bền vững theo Nghị quyết 120 (năm 2017) và Quyết định 287 về việc quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như gắn liền với các quy hoạch tổng thể của địa phương. Chỉ như vậy mới có thể khôi phục và quản lý bền vững rừng ven biển nhằm tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực ĐBSCL.