Vì sao bệnh đậu mùa khỉ bùng phát ở phía nam?

Thông tin Y học - Ngày đăng : 16:32, 07/10/2023

Trong thời gian gần đây, TP.HCM và các tỉnh, thành phía nam liên tục xuất hiện các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Điều đáng nói, những ca bệnh này không có yếu tố nước ngoài như các trường hợp trước đây.

Những ca nhiễm nội tại đều thuộc nhóm có nguy cơ cao

Liên tục trong những ngày qua, TP.HCM phát hiện các ca mắc đậu mùa khỉ ở quận Tân Bình, huyện Bình Chánh cùng với đó, một số ca bệnh được phát hiện ở Bình Dương, Đồng Nai…

Điều đáng nói, những trường hợp này đều không phải những người nhập cảnh hay tiếp xúc với người nước ngoài như các ca bệnh trước đây. Các trường hợp này đều khởi bệnh tại nơi cư trú, đa số không có yếu tố tiếp xúc với người nước ngoài, hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây.

vi-sao-benh-dau-mua-khi-bung-phat-o-phia-nam-hinh-anh(1).png
4 trường hợp bệnh đậu mùa khỉ mới phát hiện gần đây đều thuộc nhóm nguy cơ cao - Ảnh: PV

Ngoài ra, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, toàn bộ 4 ca bệnh có yếu tố nội tại trong nước này cũng không có sự liên quan nào, nghĩa là cả 4 ca bệnh không lây lan cho nhau. Điều đó cho thấy, nguồn lây bệnh đậu mùa khỉ vẫn còn đang tiềm ẩn trong cộng đồng.

Chia sẻ với phóng viên Một Thế Giới về điều này, ThS.BS Lương Chấn Quang - Phó trưởng Khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM cho rằng, sự xuất hiện liên tiếp các ca bệnh đậu mùa khỉ ở khu vực phía nam trong thời gian gần đây cho thấy, bệnh đậu mùa khỉ đã là bệnh nội tại ở nước ta. Điều này không nằm ngoài dự báo của ngành y tế, vì trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao thương du lịch dễ dàng giữa các quốc gia thì nguy cơ bệnh xâm nhập và lây lan trong mỗi quốc gia là hoàn toàn có thể.

Theo bác sĩ Quang, các ca bệnh đậu mùa khỉ nội tại này đều thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm cao như có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục (QHTD) phức tạp, nam QHTD đồng giới và được phát hiện nhờ vào hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở khám chữa bệnh, chủ yếu là chuyên khoa da liễu.

“Điều này cho thấy nhóm nguy cơ lây nhiễm cao đã chủ động đến khám khi xuất hiện triệu chứng bệnh. Trong thời gian tới, có thể có thêm các ca bệnh mới và khu trú trên nhóm nguy cơ nhiễm cao”, bác sĩ Quang nhận định.

Vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ ở những ca nội tại khác biệt về kiểu gen

Bác sĩ Quang cho biết, về chủng vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ nội tại mà Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford giải mã mang vi rút monkeypox thuộc kiểu gien C1 của Clade IIb.

Vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ hiện được biết đến với 3 chủng như sau:

Nhánh I hiện diện ở lưu vực Congo, gây bệnh nặng với tử vong lên tới 10% ở người và lây truyền từ loài gặm nhấm, rất ít lây lan từ người sang người. Nhánh IIa tồn tại ở Tây Phi, có tỷ lệ tử vong thấp và cũng là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Nhánh IIb hiện đang lan rộng trên toàn cầu, có khả năng lây từ người sang người, trình tự tương tự như nhánh IIa và tỷ lệ tử vong thấp ở những người có hệ miễn dịch bình thường.

Nghiên cứu trên động vật cho thấy vi rút đậu mùa khỉ nhánh IIb đang tiến hóa theo hướng giảm độc lực, thích nghi trên các loài khác các vật chủ trước đây.

Chủng vi rút đậu mùa khỉ của bệnh nhân mới đây thuộc Nhánh IIb, giống như hai mẫu đầu tiên ở Việt Nam năm 2022 và chỉ khác biệt về kiểu gen.

“Sự khác biệt này cho thấy sự đa dạng về di truyền của vi rút và gợi ý nguồn gốc của vi rút. Hiện chưa có nghiên cứu nào về độc lực cũng như tính lây truyền của các kiểu gen trong cùng Nhánh IIb, chưa thể kết luận được gì về đặc tính gây bệnh của vi rút này”, bác sĩ Quang cho biết.

Trước tình hình trên, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết ngành y tế TP sẽ tăng cường công tác giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn; tổ chức điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.

Ngoài ra, TP cũng tổ chức điều tra kỹ tất cả những người tiếp xúc với các ca nhiễm để xác định nguồn lây và quản ký, xử lý kịp thời ổ dịch (nếu có), không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Thông tin đến cho người dân bằng nhiều hình thức khác nhau về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống; không để người dân hoang mang lo lắng; đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống đậu mùa khỉ.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ người qua người kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Đường lây truyền chính của bệnh là qua tiếp xúc trực tiếp (bao gồm cả QHTD), qua giọt bắn lớn.

Để có thể ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ bùng phát và lan rộng, những người có triệu chứng sốt, phát ban cấp tính dạng mụn mủ quanh bộ phận sinh dục, lòng bàn tay, chân, thân mình, mặt, cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, chủ động tự cách ly, tránh tiếp xúc gần với người xung quanh, tránh QHTD trong thời gian bệnh.

Đối với những người tiếp xúc với bệnh nhân, cố gắng tránh tiếp xúc gần với người bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có ca bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

Người dân, kể cả bệnh nhân, cần thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa cá nhân như: che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Hồ Quang