Khi nào viện trợ Mỹ dành cho Ukraine cạn kiệt?
Quốc tế - Ngày đăng : 10:20, 08/10/2023
Tuần trước, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cấp ngân sách cho chính phủ không có khoản viện trợ nào cho Ukraine. Tổng thống Joe Biden để ngỏ khả năng đảng Cộng hòa chấp thuận một dự luật cấp thêm viện trợ thông qua một cuộc bỏ phiếu riêng biệt như Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy từng hứa hẹn, nhưng tình hình trở nên phức tạp khi ông McCarthy bị phế truất khiến hoạt động của Hạ viện Mỹ đứng trước nguy cơ đình trệ.
Ông Biden nhiều lần cam kết sẽ viện trợ bất cứ khi nào Ukraine cần, nhưng nhà lãnh đạo Mỹ không thể giữ đúng lời hứa nếu quốc hội không thông qua. Giới chức nước này đang tìm kiếm giải pháp khả dĩ trong trường hợp Quốc hội Mỹ ngừng hoặc giảm viện trợ.
Mỹ đã viện trợ cho Ukraine bao nhiêu?
Tính đến nay Quốc hội Mỹ đã phê duyệt khoảng 113 tỉ USD viện trợ - trong đó gần 62 tỉ USD chuyển đến Lầu Năm Góc; 32,5 tỉ USD phân bổ cho Cơ quan Phát triển quốc tế (USAID); hầu hết số tiền còn lại bàn giao qua Bộ Ngoại giao cùng nhiều cơ quan khác.
Không phải tất cả viện trợ đều được chi trực tiếp cho Ukraine. Một số khoản phục vụ công tác củng cố năng lực phòng vệ của các nước châu Âu khác hoặc hoạt động của Lầu Năm Góc, chẳng hạn như triển khai quân mới đến châu Âu.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Quốc hội Mỹ không viện trợ thêm?
Về mặt quân sự, Ukraine vẫn chưa phải quá lo lắng. Loạt dự luật chi tiêu được Quốc hội Mỹ thông qua trước đây cho phép ông Biden rút khoảng 5,6 tỉ USD từ nguồn tiền dự trữ của quân đội (chủ yếu do Lầu Năm Góc trước đó định giá quá mức số vũ khí viện trợ cho Ukraine).
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, khoản tiền 500 triệu USD rút vào tháng 6 đủ để sắm phương tiện bọc thép Bradley và Stryker, đạn dược phòng không, hệ thống pháo phóng loạt, vũ khí chống tăng, tên lửa chống bức xạ cùng đạn dược chính xác trên không. Việc tạm ngừng viện trợ không ảnh hưởng đến số hợp đồng Lầu Năm Góc ký kết trong khuôn khổ Sáng kiến Hỗ trợ an ninh Ukraine, có nghĩa vài tháng thậm chí vài năm tới Kyiv vẫn nhận được khí tài mới.
Tính đến tháng 5, Lầu Năm Góc đã chi tổng cộng 5,6 tỉ USD để ký hàng loạt hợp đồng sản xuất khí tài như tên lửa HIMARS, phương tiện chiến thuật, radar, đạn dược… Cựu quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Eric Ciaramella nhận định chính số hợp đồng trung đến dài hạn này đảm bảo viện trợ quân sự cho Kyiv ngay cả khi Quốc hội Mỹ không cấp thêm kinh phí.
Viện trợ kinh tế và viện trợ nhân đạo đáng lo hơn. Không rõ liệu Nhà Trắng còn khoản tiền nào có thể chi hay không, nhưng ở mặt này châu Âu có thể bù đắp phần nào.
Ông Biden cần làm gì để có được thêm viện trợ từ Quốc hội Mỹ?
Tổng thống Biden vốn dĩ muốn áp dụng cách tiếp cận xin từng phần nhỏ, đề nghị Quốc hội Mỹ cấp 24 tỉ USD để viện trợ cho Ukraine trong vài tháng tới. Nhưng diễn biến không như mong đợi đem đến áp lực thúc đẩy ông phải tìm kiếm gói viện trợ lớn hơn đủ sức kéo dài qua bầu cử tổng thống 2024.
Con đường phía trước phụ thuộc vào kết quả cuộc đấu đá nội bộ đảng Cộng hòa dẫn đến việc ông McCarthy bị phế truất vừa qua. Một số nghị sĩ cực hữu chỉ trích cựu Chủ tịch Hạ viện quá ủng hộ viện trợ Ukraine. Jim Jordan - ứng viên thay thế hàng đầu - từng tuyên bố nếu kế nhiệm sẽ không đưa dự luật viện trợ thêm cho Ukraine ra Hạ viện bỏ phiếu.
Có khả năng đảng Dân chủ cố thuyết phục đảng Cộng hòa cấp tiền bằng vài nhượng bộ chính trị ở lĩnh vực khác, chẳng hạn như đáp ứng yêu cầu hành động cứng rắn hơn nhằm giải quyết tình trạng nhập cư trái phép qua biên giới giáp Mexico.
Viện trợ được chi ra sao?
Quốc hội Mỹ cho phép Nhà Trắng chi tiêu 113 tỉ USD một cách linh hoạt. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này đã chi gần 44 tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Tổng thống Biden nhiều lần dùng đến cơ chế Quyền Điều chỉnh nguồn lực của Tổng thống (PDA) để nhanh chóng chuyển giao vũ khí, giúp Lầu Năm Góc có thể gửi đạn pháo, xe bọc thép, tên lửa và nhiều thiết bị khác từ kho dự trữ của quân đội Mỹ. Sau đó họ bổ sung nguồn cung bằng cách ký hợp đồng sản xuất với các hãng vũ khí (dùng nguồn tiền Quốc hội Mỹ phân bổ). Hợp đồng sản xuất cung cấp cho Kyiv thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine cũng được ký kết.
Ngoài khí tài thì Mỹ còn gửi tiền để chính quyền Ukraine duy trì hoạt động giữa lúc nền kinh tế bị thiệt hại vì chiến tranh. USAID đã chi hơn 13 tỉ USD hỗ trợ ngân sách trực tiếp. Số tiền được chuyển thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) này là nguồn kinh phí cho lương hưu, trường học cũng như hàng loạt dịch vụ cơ bản khác.
Vì sao lại có tranh cãi về viện trợ Ukraine vào lúc này?
Sự ủng hộ dành cho viện trợ đã xói mòn theo thời gian. Một cuộc thăm dò vào tháng 8 của đài CNN cho kết quả đa số người Mỹ phản đối cấp thêm viện trợ.
Trước đó, năng lực chiến đấu đáng ngạc nhiên của Ukraine cùng nhiều thông tin về sự thảm khốc của chiến tranh khiến dư luận Mỹ đứng về phía Kyiv. Thế nhưng sau 20 tháng, cuộc chiến dường như đang đi vào bế tắc. Một số ứng viên tổng thống bên phía đảng Cộng hòa nghĩ rằng nên ưu tiên giải quyết vấn đề trong nước, chẳng hạn như kiểm soát biên giới hơn là tiếp tục viện trợ. Tranh cãi về ưu tiên chi tiêu xoay quanh dự luật ngân sách thông qua tuần trước càng đẩy căng thẳng lên cao.