Phát triển nông nghiệp thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ cao
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:00, 09/10/2023
Ứng dụng công nghệ cao
Theo Sở TT-TT tỉnh Lâm Đồng, nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục được phát triển theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Theo đó, trong tỉnh hình thành nhiều mô hình sản xuất mới, tiên tiến, hiện đại và được nhân rộng ra toàn tỉnh. Cụ thể, năm 2022 toàn tỉnh có 65.308ha, chiếm 21,8% tổng diện tích canh tác toàn tỉnh. Trong đó có 25.830ha rau; 3.035ha hoa; 3.559ha chè; 20.404ha cà phê; 5.045ha lúa; 6.885ha cây ăn quả; 167ha cây dược liệu; 20ha nấm và 363ha cây trồng khác.
Ông Vương Tôn Kiên – Phó giám đốc Sở TT-TT tỉnh Lâm Đồng cho biết nông nghiệp thông minh phải dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao.
Về thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao hướng đến nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0, ông Kiên cho biết tỉnh Lâm Đồng có cách tiếp cận nhanh và phù hợp, song không nóng vội chạy theo phong trào, mà theo phương châm: “Đi ngay, đi nhanh, đi chính xác; Lựa chọn cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh; Công nghệ ứng dụng phù hợp với mục tiêu sản xuất, kinh doanh là chính”.
Theo đó, ông Kiên cho rằng giải pháp ứng dụng vạn vật kết nối Internet (IoT) là giải pháp cốt lõi nhất trong nông nghiệp thông minh 4.0. Nó được ứng dụng trong sản xuất trồng trọt khi trên địa bàn TP.Đà Lạt có 300ha trồng hoa cúc sử dụng đèn Led thay thế đèn Compact 20W; có trên 241,82ha sử dụng công nghệ IoT của Công ty Mimozatek; trên 241,82ha sử dụng công nghệ IoT của Công ty Mimozatek.
Ngoài ra, trong sản xuất trồng trọt, toàn tỉnh có trên 465ha ứng dụng công nghệ nhà kính thông minh (227,3ha rau; 222,2ha hoa; 5,5ha dâu tây và 10ha chè chất lượng cao). Trong khâu sơ chế, phân loại nông sản áp dụng nông nghiệp thông minh sử dụng máy rửa và phân loại dựa trên màu sắc, kích thước của sản phẩm.
Đối với ứng dụng trong chăn nuôi, theo Phó giám đốc Sở, ngành nông nghiệp của tỉnh đã sử dụng máy liên hợp, phối trộn khẩu phần thức ăn hoàn chỉnh theo phương pháp TMR (Total mixing rotation), sử dụng robot đẩy thức ăn tự động và hệ thống vắt sữa tự động rotary…
Giá trị sản xuất bình quân tăng
Liên quan đến một số kết quả đạt được của Chương trình nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng, ông Vương Tôn Kiên cho biết về kinh tế - xã hội, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8%/năm; GRDP bình quân đầu người 66 triệu đồng. Trong đó, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,8%; cơ cấu nông nghiệp chiếm tỷ trọng 41,09%; cơ cấu ngành nông nghiệp, trồng trọt 80,2%, chăn nuôi 17,6%, dịch vụ 2,2%.
Chênh lệch về mức độ đầu tư, trình độ canh tác, điều kiện sản xuất giữa các vùng, các địa phương được rút ngắn. Diện tích canh tác kém hiệu quả giảm rõ rệt (năm 2016: 33%, năm 2022: 15%); giá trị sản xuất bình quân tăng (năm 2022 tăng 32,2% so với năm 2016); năng suất lao động bình quân tăng 5,4%/năm, đạt 64,8 triệu đồng/người/năm.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản giai đoạn vừa qua đạt bình quân 13%/năm, giá trị xuất khẩu nông sản năm 2022 đạt trên 233 triệu USD/năm, chiếm 42,6% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh.
Theo Phó giám đốc Sở TT-TT tỉnh Lâm Đồng, đến nay toàn tỉnh có 13 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó 12 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt với quy mô 534,2ha, sản xuất rau, hoa cao cấp, dâu tây, phúc bồn tử...
Ngoài ra, trang trại bò sữa Vinamilk Đà Lạt của chi nhánh Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam có diện tích 150ha và quy mô 2.800 con bò sữa.
Có 8/21 vùng được công nhận đạt tiêu chí vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 1.640,61ha/tổng quy mô 6.168ha của 19 vùng sản xuất trồng trọt, 13.850 con bò sữa/tổng quy mô 36.460 con bò sữa của 2 vùng chăn nuôi.
Doanh thu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt bình quân trên 463 triệu đồng/ha, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh chiếm 45% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt.
Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác rau ứng dụng công nghệ IoT đạt trên 2 tỉ đồng/ha/năm; sản xuất hoa ứng dụng công nghệ IoT đạt từ 3 - 5 tỉ đồng/ha/năm.