Học bạ điện tử: Thuận tiện trong cải cách, khó khăn trong thủ tục
Giáo dục - Ngày đăng : 12:09, 11/10/2023
Theo chia sẻ của TS Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), Bộ GD-ĐT đã có thông tư khuyến khích các nhà trường sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử. Các trường học, địa phương cũng đã bắt tay triển khai, thậm chí có những nơi đã triển khai trong phạm vi toàn tỉnh. Phần mềm này giúp cải cách hành chính, tăng tính công khai minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại học sinh, qua đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn, các trường khác tỉnh không đồng nhất.
Cô Nguyễn Thị Bích H. (trường THCS Mai Dịch, Hà Nội) cho biết hiện nay, thời đại 4.0, việc sử dụng internet là chủ yếu nhưng phần mềm lại chưa được chuẩn hóa, gây khó khăn cho việc nhận xét, đánh giá.
"Công việc thì càng ngày càng nhiều lên, áp lực cũng vì thế mà tăng theo nhưng chính bản thân các phần mềm lại gây rắc rối. Chưa kể, nhiều phụ huynh không hiểu nên thắc mắc hỏi thầy cô, còn thầy cô thì loay hoay cả phần điểm chấm cho học sinh lẫn nhận xét, chỉnh sửa các học bạ cho từng học sinh" - cô H. cho biết.
Ưu điểm lớn nhất của học bạ điện tử chính là giảm rõ rệt áp lực sổ sách cho giáo viên và nhà trường, dễ theo dõi và quản lý hồ sơ nhẹ nhàng, khoa học hơn. Phụ huynh cũng có thể thuận tiện tra cứu kết quả học tập của con em mình một cách dễ dàng, qua đó phối hợp với giáo viên, nhà trường trong việc nhắc nhở, đôn đốc học sinh học tập hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Trọng An (Hiệu phó một trường THCS tại Hà Nội) cho rằng lợi ích nhất của việc thực hiện học bạ điện tử chính là tránh tối đa việc gian lận hay xin điểm của các phụ huynh. Khi hệ thống khóa, nếu có sai sót, thầy cô phải thông qua hiệu trưởng, trình bày lý do, được trường xác nhận và báo cáo với cấp trên thì mới được vào để sửa lại. Nhưng về mặt bất lợi thì nhiều vô cùng, trong đó có việc phần mềm không cung ứng đủ các yêu cầu của lớp học.
Còn riêng ở một số tỉnh vùng cao, việc áp dụng sổ học bạ điện tử sẽ gặp khó khăn nhiều do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, việc kết nối internet kém.
Thừa nhận còn quá nhiều hạn chế, đặc biệt việc khi học sinh chuyển trường vẫn phải thực hiện in ra bản giấy và ký trực tiếp thay vì công nhận học bạ điện tử. Chưa kể, cuối năm, khi cần xác nhận từng điểm số thì cũng phải in ra giấy và giáo viên ký xác nhận thì mới được chấp thuận, kéo theo sự bất tiện đối với từng giáo viên. Trong các văn bản của Bộ GD-ĐT mới khuyến khích sử dụng và quy định về kỹ thuật học bạ điện tử. Học bạ điện tử (bao gồm cả học bạ in từ bản mềm có ký tươi và học bạ có gắn chữ ký số) không được các cơ quan, tổ chức, xã hội công nhận trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Tương tự, học bạ điện tử cũng chưa được các trường đại học chấp nhận trong tuyển sinh đại học. Ông Nguyễn Sơn Hải cho rằng, đây là vấn đề đang được nghiên cứu để tiến tới việc áp dụng đồng bộ, chặt chẽ trong các cơ sở giáo dục cũng như mở rộng phạm vi sử dụng trong các cơ quan, tổ chức khác. Theo đó, kiểm soát đúng sai, sửa chữa học bạ… là vấn đề cần có các giải pháp để quản lý chặt chẽ hơn nữa.
Còn theo chia sẻ của ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình (Hà Nội), sau khi tập huấn triển khai, giáo viên nhận được những lợi ích thiết thực từ các công cụ này mang lại sự hào hứng và tích cực khi sử dụng. Các phần mềm hiện đang được các trường trong quận Ba Đình triển khai đã được chọn lọc và mang tính đồng bộ, liên thông và theo đúng các quy định của pháp luật nên không tạo thêm áp lực mà ngược lại, giảm áp lực rất nhiều cho giáo viên về hồ sơ, sổ sách.
Học bạ điện tử tuy vẫn còn những mặt hạn chế nhưng không thể thừa nhận những lợi ích nó mang lại cho tương lai. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần đẩy nhanh nghiên cứu để hoàn thiện và thống nhất, đồng bộ hệ thống để áp dụng trong các cơ sở giáo dục trên cả nước, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành giáo dục.