Doanh nghiệp Việt bị trăm bề khó khăn bủa vây
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:21, 11/10/2023
Đơn hàng giảm mạnh, DN co cụm trong sản xuất
Báo cáo về hình hoạt động của doanh nhân, DN, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết trong 9 tháng đầu năm, tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Tuy vậy, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong tình hình bức tranh chung của kinh tế thế giới.
“Đặc biệt đáng ghi nhận đó là trong bối cảnh hết sức khó khăn xuất hiện nhiều tấm gương, DN tiêu biểu chủ động thích ứng với bối cảnh mới, đổi mới sáng tạo, đón bắt xu hướng, tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế”, ông Dũng nêu.
Bộ trưởng cho biết một số tập đoàn, DN lớn đã chủ động chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp mới AI, chip bán dẫn, hydrogen; tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn… đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hoá mục tiêu Net Zero của Chính phủ vào năm 2050.
Mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ nêu trên, theo phản ánh, cộng đồng DN vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không chỉ từ nay đến cuối năm mà dự kiến còn kéo dài sang cả năm 2024.
Cụ thể, sức mua của thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu suy yếu, doanh thu sụt giảm, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm
Khảo sát DN ngành sản xuất vào tháng 6.2023 của Navigos cho thấy hơn 50% DN ghi nhận sụt giảm từ 10 - 40% tổng doanh thu, trong đó 44% DN ngành dệt may/da giày và 35% ngành sản xuất vật liệu xây dựng sụt giảm từ 20 - 40% doanh thu.
Theo các hiệp hội, đơn hàng thiếu hụt nghiêm trọng. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 13%, dệt may giảm 12%, giày dép giảm 18%, thủy sản giảm 22%. Trong ngành gỗ, nhu cầu giảm mạnh khoảng 3 tỉ USD; doanh số bán ô tô của các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam giảm 30% so với cùng kỳ...
Việc thiếu đơn hàng, sụt giảm doanh thu khiến nhiều DN khó khăn trong giữ chân người lao động để chờ đợi thị trường phục hồi. Không ít DN lựa chọn phương án thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm giờ làm, cho lao động nghỉ luân phiên hoặc cắt giảm lao động...
Tín dụng… xa tầm với
Bộ trưởng Dũng cho biết khó khăn tiếp theo là áp lực chi phí cao và khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình
Thời gian gần đây, tỷ giá VND/USD đã tăng mạnh với mức tăng kỷ lục trong tháng 8, cùng với việc lãi suất cho vay bằng USD tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay khiến các DN nhập khẩu đối mặt với áp lực lớn từ việc gia tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất.
Theo Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam, các DN trong ngành gặp nhiều khó khăn khi chi phí nguyên vật liệu tăng cao, trong khi hầu hết các DN xuất khẩu bị ép giảm giá bán từ 30 - 40% so với trước.
Các DN tiếp tục phản ánh khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không đáp ứng được các điều kiện vay vốn của ngân hàng; khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ qua các gói tín dụng do các điều kiện, thủ tục phức tạp, lo ngại vấn đề thanh tra, kiểm tra.
Tâm lý sợ sai của công chức khiến DN càng thêm khó
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề cập đến vướng mắc về rào cản pháp lý và thực thi pháp luật, tâm lý "sợ sai", không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.
Thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm dỡ bỏ các rào cản, khó khăn về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Ví dụ, đã ban hành Nghị định số 73 về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ làm làm, dám chịu trách nhiệm; chỉ đạo quyết liệt về trách nhiệm thực thi công vụ nên một số bộ ngành, địa phương đã có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, cộng đồng DN vẫn tiếp tục phản ánh các khó khăn, bất cập mới nảy sinh cộng với tâm lý "sợ sai, sợ trách nhiệm", đùn đẩy, né tránh của một bộ phận cán bộ, công chức.
Một số vướng mắc đã được cộng đồng DN phản ánh đến các bộ, ngành liên quan và Chính phủ trong nhiều tháng qua nhưng đến nay chưa được giải quyết triệt để, tạo gánh nặng chi phí và áp lực lớn đối với dòng tiền của DN như: quy định về phòng cháy chữa cháy, hoàn thuế VAT, tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm…
“Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam báo cáo tổng số thuế VAT chưa được hoàn của toàn ngành lên đến 8.000 tỉ đồng”, ông Dũng nêu.
Trong lĩnh vực bất động sản, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý, đây vẫn là nút thắt lớn nhất của thị trường.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 8 cả nước còn tồn đọng khoảng 1.000 dự án bất động sản (hơn 410 nghìn căn) đang mắc kẹt, chưa thể triển khai vì vướng mắc pháp lý.
Ngoài ra, xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn xanh, bền vững, việc gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước tạo áp lực lớn về chi phí tuân thủ; gây khó khăn cho DN xuất khẩu
Theo phản ánh của các hiệp hội, việc EU áp dụng Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM), thực hiện Thỏa thuận xanh châu Âu (EGD) và Chính sách từ nông trại đến bàn ăn (F2F) sẽ là thách thức lớn bởi hầu hết các DN Việt chưa có đầy đủ thông tin, kiến thức và nguồn lực để tuân thủ các quy định này.
Các thị trường xuất khẩu lớn như: Mỹ, EU tiếp tục gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, xây dựng hàng rào kỹ thuật, ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm đầu vào của các DN nội khối và các nước láng giềng cũng là rào cản cho DN xuất khẩu của Việt Nam.