An Giang: Nhiều dự án 'ngóng' cát, nhà thầu lo chậm tiến độ
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:35, 11/10/2023
Nhà thầu “ngóng” cát…
An Giang là một trong những địa phương có trữ lượng cát sông lớn nhất của khu vực ĐBSCL. Theo ước tính, trữ lượng cát sông trên địa bàn tỉnh này có khoảng 20 triệu m3 và hiện đã lên chương trình cung cấp cho các dự án khoảng 15 triệu m3, nên để nâng sản lượng cát là rất khó khăn.
Đến thời điểm này, nhiều dự án giao thông trọng điểm tại An Giang bắt đầu cần vật liệu cát sông. Nhu cầu lớn trong khi nguồn cung cấp hạn chế làm xuất hiện tình trạng tăng giá cát tại một số khu vực. Việc tìm vật liệu thay thế cát sông đã được địa phương tiến hành nhưng phải cuối năm mới có kết quả. Trong khi đó, các dự án giao thông trọng điểm không thể triển khai được nếu thiếu nguồn cát.
Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới vào sáng 10.10, tại công trình gói thầu số 42 điểm đầu dự án thành phần 1 (thuộc địa phận TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang), không khí làm việc của công nhân rất khẩn trương.
Thiếu tá Nguyễn Đình Du, Phó giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 11 (Tổng công ty Trường Sơn) - đơn vị thi công gói thầu này, cho biết gói thầu có tổng chiều dài 17km, 17 cây cầu và 39 cống. Đến thời điểm này, tiến độ bốc đất hữu cơ đạt 90%.
“Hiện tại trên công trường có 80 người với gần 40 thiết bị, máy móc để thực hiện dự án. Nhà thầu bố trí 8 điểm bơm cát và 4 điểm đường tiếp cận để khi có cát về tới công trường sẽ tiến hành bơm đắp nền ngay cho kịp tiến độ theo quy định”, thiếu tá Du nói.
Trong khi đó, tại gói thầu số 43 (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), nhà thầu cũng đang tăng tốc thi công nhằm đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Những ngày này, trên công trường đã bố trí đầy đủ công nhân, thiết bị, máy móc để đắp bờ và bốc lớp đất hữu cơ.
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, Chỉ huy trưởng công trình gói thầu số 43, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phương Thành, cho rằng cái khó hiện nay là chưa có cát về tới công trường.
“Nhân công, máy móc và thiết bị đã sẵn sàng xuất trận nhưng hiện vẫn nằm chờ do thiếu cát. Tôi sợ nếu không được cung cấp cát kịp thời sẽ dẫn đến việc chậm tiến độ thực hiện của cả gói thầu”, anh Tuấn nói.
Theo tìm hiểu, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 bao gồm 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 do UBND tỉnh An Giang làm cơ quan chủ quản, chiều dài khoảng 57km, sơ bộ tổng mức đầu tư 13.799 tỉ đồng và được chia thành 4 gói thầu. Đến nay, cả 4 gói thầu đều đã được chỉ định thầu và các nhà thầu đã có mặt trên công trường để thực hiện dự án.
Chủ mỏ cát và nhà đầu tư nói gì?
Đại diện Công ty TNHH MTV TM-DVNN Thủ Tuyền (đơn vị cung cấp cát) cho biết, trước mắt UBND tỉnh An Giang duyệt cho đơn vị cung cấp 500.000m3 cát/năm cho dự án. Ngày 11.10, đơn vị sẽ bắt tay thực hiện. Còn đại diện Công ty TNHH TM Tân Hồng và đại diện một doanh nghiệp khác đang hoàn thiện thủ tục pháp lý của mỏ cát, cho biết đơn vị đang báo cáo, làm việc với UBND tỉnh để tháo gỡ.
“Khi có đầy đủ pháp lý thì chúng tôi sẽ cung cấp cát cho dự án. Trong thời gian cung cấp cho dự án cao tốc thì mỗi ngày chúng tôi cung cấp trung bình 1.600m3. Sau khi kết thúc cung cấp cho dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau thì sẽ cung cấp cho dự án thành phần 1, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, trung bình mỗi ngày là 3.000m3 đến 3.400m3”, đại diện đơn vị cung cấp cát giải trình trong cuộc họp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang vào ngày 9.10.
Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang, chủ đầu tư dự án thành phần 1 cao tốc Chấu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cho biết, đến thời điểm này, dự án cơ bản đáp ứng được tiến độ đề ra.
“Các nhà thầu đều triển khai thi công đồng bộ các hạng mục trên công trường. Trong đó, về tuyến đường đã đào, bốc lớp đất hữu cơ; thực hiện hệ thống cống với trên 100 cống các loại và 33 cây cầu được triển khai đồng bộ.
Song song với hạng mục đào nền đường thì phải đưa cát vào với nhu cầu tổng khối lượng cát cho toàn dự án khoảng 9,3 triệu m3. Từ nay đến kết thúc năm 2023, dự án cần 1,7 triệu m3; năm 2024 dự án cần 6 triệu m3 cát và số lượng còn lại sẽ được cấp vào năm 2025”, ông Du thông tin.
Lý giải về việc cần cát đắp nền cho dự án được rải đều ra các năm, theo ông Du, dự án được khởi công tháng 6.2023 thì phải cơ bản hoàn thành các đoạn tuyến vào năm 2025, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026, bàn giao và đưa vào sử vào năm 2027.
Do dự án đi qua vùng đất yếu nên cần thời gian gia tải từ 12 đến 15 tháng, đây là công đoạn quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng công trình. Tuy nhiên, trong thời gian gia tải, nhà thầu phải tạm ngưng tất cả các hạng mục còn lại.
“Đến thời điểm này, việc cung cấp cát cho dự án thành phần 1 thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang được tỉnh tháo gỡ. Trong cuộc họp mới nhất với các đơn vị liên quan để giải quyết vấn đề về cát đắp nền thì vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể để đưa cát về tới công trường”, ông Du nói.
Cũng theo ông Du, trong 2 tháng nữa, nếu vấn đề về cát đắp nền vẫn chưa có hồi kết thì dự án thành phần 1 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang) bị chậm tiến độ là điều khó tránh khỏi.
Trước đó, ngày 10.10, bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký báo cáo số 880/BC-UBND về tình hình khai thác, cung ứng nguồn vật liệu san lấp phục vụ thi công các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL. Báo cáo nêu rõ, dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua địa phận tỉnh An Giang) cần khoảng 9,321 triệu m3 cát.
Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ để cung cấp cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua tỉnh An Giang) là 4 triệu m3 cát từ khu mỏ của Công ty TNHH TM Tân Hồng; khu mỏ của Công ty TNHH MTV TM và DV NN Thủ Tuyền và Dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao của Liên danh Công ty TNHH TM DV DNU, Công ty TNHH MTV MT Vạn Hưng Tùng.
"Để các dự án khoáng sản, nạo vét có thể nhanh chóng triển khai hoạt động khai thác, thu hồi khoáng sản phục vụ công trình đường cao tốc, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến chỉ đạo đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc thực hiện phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa", báo cáo nêu.