Trung Quốc đánh giá thấp việc 4 công ty Đài Loan hỗ trợ dự án chip của Huawei
Thế giới số - Ngày đăng : 21:35, 11/10/2023
Trong một cuộc họp báo hôm 11.10, Chen Binhua, phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ Viện Trung Quốc, nói rằng 4 công ty được đề cập trong các báo cáo truyền thông “không phải là một phần của chuỗi cung ứng chất bán dẫn” và không sản xuất vật liệu, thiết bị cùng sản phẩm liên quan đến chip.
Chen Binhua nói: “Chính quyền DPP đã tận dụng cơ hội để chạy theo xu hướng và sự cường điệu, cố gắng cản trở sự hợp tác bình thường giữa các doanh nghiệp hai bờ eo biển và tạo ra trở ngại cho trao đổi kinh tế, thương mại xuyên eo biển”.
4 công ty Đài Loan có tên trong bản tin của Bloomberg gồm Topco Scientific, L&K Engineering, United Integrated Services và Cica-Huntek Chemical Technology Taiwan, được cho đã tiến hành kinh doanh với Huawei, công ty đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuần trước, bà Wang Mei-hua (Vương Mỹ Hoa), lãnh đạo Cơ quan Kinh tế Đài Loan, cho biết cơ quan này sẽ tiến hành điều tra mối quan hệ đó, nhưng lưu ý rằng 4 công ty nêu trên không trực tiếp tham gia sản xuất chất bán dẫn. Thay vào đó, họ cung cấp các dịch vụ ngoại vi cần thiết cho việc sản xuất chip, chẳng hạn như xử lý nước thải.
Trước đó, Bloomberg đưa tin 4 hãng công nghệ Đài Loan đang giúp Huawei xây dựng cơ sở hạ tầng cho mạng lưới các nhà máy sản xuất chip trên khắp miền nam Trung Quốc, một sự hợp tác bất thường có nguy cơ gây ra làn sóng bất bình với người dân và chính quyền đảo này.
Đài Loan đang xem xét áp đặt các quy định chặt chẽ hơn về xuất khẩu các công nghệ quan trọng từ đảo này.
Cuối tháng 8, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (có trụ sở ở Mỹ) cảnh báo Huawei đang xây dựng các cơ sở chế tạo chip bí mật trên khắp Trung Quốc để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ, trang Bloomberg đưa tin.
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn cho biết Huawei đã bước vào lĩnh vực sản xuất chip từ năm ngoái và đang nhận được khoản tài trợ ước tính khoảng 30 tỉ USD từ chính phủ Trung Quốc. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã mua lại ít nhất hai nhà máy hiện có và đang xây dựng ba nhà máy khác.
Huawei đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại từ tháng 5.2019, hạn chế hầu hết các nhà cung cấp vận chuyển hàng hóa và công nghệ cho công ty này trừ khi được cấp giấy phép. Các quan chức Mỹ đã tiếp tục thắt chặt các biện pháp kiểm soát để cắt đứt khả năng mua hoặc thiết kế chip bán dẫn cung cấp sức mạnh cho hầu hết các sản phẩm của Huawei.
Theo Bloomberg, nếu đang xây dựng các nhà máy sản xuất chip dưới tên các công ty khác như Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn đề cập, Huawei có thể lách các hạn chế từ chính phủ Mỹ để gián tiếp mua thiết bị sản xuất chip của Mỹ.
Các nhà phân tích đã kết luận rằng chip Kirin 9000s trong Mate 60 Pro, smartphone 5G mới nhất của Huawei, được sản xuất bởi SMIC bằng cách sử dụng hệ thống in khắc tia cực tím sâu. SMIC là nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc, có trụ sở tại thành phố Thượng Hải.
SMIC bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại hồi tháng 12.2020 vì lo ngại công ty này có thể chuyển hướng công nghệ tiên tiến sang người dùng quân sự.
Theo các chuyên gia, các hạn chế xuất khẩu của Mỹ đã cấm vận chuyển các máy in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến hơn sang Trung Quốc kể từ năm 2019.
Do công ty con HiSilicon của Huawei thiết kế, Kirin 9000s có khả năng đã vượt qua ranh giới về những gì có thể đạt được với thiết bị hiện có của SMIC.
Thị phần của Đài Loan trong chuỗi cung ứng sản xuất chip toàn cầu, bao gồm việc tạo ra wafer (đĩa bán dẫn), lắp ráp và thử nghiệm cuối, dự kiến sẽ giảm trong vài năm tới. Thị phần của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh những thay đổi chính sách bán dẫn của các chính phủ khác nhau và căng thẳng địa chính trị leo thang, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường IDC.
Helen Chiang, trưởng nhóm nghiên cứu chất bán dẫn khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IDC, viết trong một báo cáo gần đây: “Những thay đổi địa chính trị đang thay đổi căn bản cuộc chơi bán dẫn”.
Thị phần của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn sẽ được thúc đẩy sau khi chính quyền Biden cấp quyền cho phép hai nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới của Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix mua các công cụ sản xuất chip tiên tiến của Mỹ để sử dụng trong nhà máy sản xuất đĩa bán dẫn ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng động thái này sẽ không mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất chip nhớ Trung Quốc như YTMC, vốn vẫn đang bị hạn chế xuất khẩu.
Hôm 9.10, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cùng Samsung Electronics và SK Hynix thông báo hai công ty này sẽ được phép cung cấp thiết bị chip Mỹ cho các nhà máy ở Trung Quốc của họ vô thời hạn mà không cần có sự chấp thuận riêng từ Mỹ.
Choi Sang-mok, Thư ký cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc phụ trách các vấn đề kinh tế, cho biết: “Những bất ổn về hoạt động và đầu tư của các công ty bán dẫn Hàn Quốc tại Trung Quốc đã giảm bớt rất nhiều. Họ sẽ có thể bình tĩnh tìm các chiến lược quản lý toàn cầu dài hạn”.
Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Bộ Thương mại Mỹ đang cập nhật danh sách "người dùng cuối đã được xác nhận", biểu thị những thực thể nào có thể nhận xuất khẩu công nghệ nào từ Mỹ, để cho phép Samsung Electronics và SK Hynix tiếp tục cung cấp một số công cụ sản xuất chip Mỹ cho các nhà máy ở Trung Quốc của họ.
Nếu được đưa vào danh sách thì không cần phải xin phép với các trường hợp xuất khẩu riêng biệt.
Samsung Electronics và SK Hynix, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất và lớn thứ hai thế giới, đã đầu tư hàng tỉ USD vào cơ sở sản xuất chip của họ tại Trung Quốc nên hoan nghênh động thái này.
Samsung Electronics cho biết trong một tuyên bố: “Thông qua sự phối hợp chặt chẽ với các chính phủ liên quan, những bất ổn về hoạt động của dây chuyền sản xuất chất bán dẫn của chúng tôi ở Trung Quốc đã được loại bỏ đáng kể”.
SK Hynix tuyên bố: "Chúng tôi hoan nghênh quyết định gia hạn miễn trừ với các quy định kiểm soát xuất khẩu của chính phủ Mỹ. Chúng tôi tin rằng quyết định này sẽ góp phần ổn định chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu".
Samsung Electronics sản xuất khoảng 40% chip NAND flash tại nhà máy thuộc thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc). Trong khi SK Hynix sản xuất khoảng 40% chip DRAM ở thành phố Vô Tích (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) và 20% chip NAND flash tại thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc).
Dữ liệu từ công ty nghiên cứu TrendForce cho thấy hai công ty Hàn Quốc này cùng nhau kiểm soát gần 70% thị trường DRAM toàn cầu và 50% thị trường NAND flash tính đến cuối tháng 6.