Huawei thúc đẩy ra mắt mạng 5.5G, tốc độ nhanh hơn 5G gấp 10 lần
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 14:00, 12/10/2023
Huawei đã công bố các sản phẩm và giải pháp 5.5G đầu tiên trong ngành vào ngày 11.10 tại Dubai (thủ đô UAE), với sự hợp tác của các nhà khai thác viễn thông nhà nước Trung Quốc như China Mobile, China Telecom và China Unicom, cùng công ty Trung Đông như United Arab Emirates (UAE) và Saudi Telecommunication Company (Ả Rập Saudi).
Phát biểu tại Diễn đàn băng thông rộng di động toàn cầu của Huawei, ông Cao Ming, Chủ tịch Giải pháp không dây của công ty, cho biết 5.5G sẽ mang lại tốc độ tăng gấp 10 lần so với các mạng hiện có, cũng như độ trễ thấp hơn và mức tiêu thụ điện năng ít hơn cho người tiêu dùng và ngành công nghiệp, gồm cả trò chơi VR và các phương tiện được kết nối.
Công nghệ 5.5G, còn được gọi là 5G-Advanced, đã được Huawei ca ngợi là bước tiến trong công nghệ viễn thông, tạo cầu nối cho sự phát triển lên 6G, dự kiến sẽ diễn ra trong thập kỷ tới.
Xét về tốc độ, 5.5G vượt trội so với 5G khi đạt tốc độ tải xuống 10 GB/giây, tải lên 1 GB/giây. Trong kỷ nguyên dữ liệu khổng lồ được đưa lên đám mây, tính năng livestream trở nên phổ biến và công nghệ 3D trở nên phổ biến, 5.5G được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng ở nhiều ngành khác nhau. Trong lĩnh vực IoT, 5.5G hỗ trợ 100 tỉ kết nối, nhiều gấp 10 lần 5G hiện tại. Về mặt trải nghiệm, công nghệ mới rút ngắn độ trễ từ 20 ms của 5G giai đoạn đầu xuống còn 1 ms, hỗ trợ định vị ở cấp độ centimet thay vì cấp độ mét.
Trước đó, Huawei đã thông báo có kế hoạch ra mắt bộ thiết bị mạng 5.5G thương mại hoàn chỉnh vào năm 2024, mở rộng danh mục sản phẩm cho công nghệ này.
“5.5G đang trong giai đoạn thương mại hóa nhanh chóng trên toàn thế giới”, Cao Ming cho biết trong một cuộc họp báo 11.10, đồng thời nói thêm rằng các chipset và thiết bị dành cho 5.5G đã được các công ty trong ngành tung ra thị trường và gần 20 quốc gia trên thế giới đã có phổ tần sẵn sàng cho 5,5G.
Theo Cao Ming, với việc triển khai mạng 5G mở rộng kết nối giữa con người và gia đình, phương tiện và các ngành công nghiệp, 5.5G sẽ đánh dấu một bước tiến cho nhiều lĩnh vực truyền thống khác nhau.
Cao Ming cho biết: “Với các ngành nhằm cải thiện năng suất và đón nhận chuyển đổi kỹ thuật số, 5G và 5.5G sẽ đóng một vai trò to lớn”.
Theo Huawei, trong 4 năm qua, hơn 260 mạng 5G đã được triển khai trên toàn thế giới, bao phủ gần một nửa dân số thế giới.
Là một trong những nền kinh tế lớn đầu tiên triển khai vùng phủ sóng 5G cách đây 4 năm, phạm vi phủ sóng của Trung Quốc đã tăng vọt. Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin cùng Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, tính đến cuối tháng 6, cả nước có gần 3 triệu trạm gốc 5G.
Thiết bị Huawei đã đóng góp lớn cho mạng lưới. Gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến gần đây đã đảm bảo 52% công việc lắp đặt trạm gốc 5G của China Mobile từ năm 2023 đến năm 2024.
Hồi tháng 3, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) đã công bố kế hoạch sẽ xây dựng 2,9 triệu trạm gốc 5G tính đến cuối năm 2023. Thế nhưng, Trung Quốc đã vượt mục tiêu về trạm gốc 5G trước thời hạn 6 tháng.
“Tính đến cuối tháng 6, số lượng trạm gốc 5G ở Trung Quốc đã lên tới 2,937 triệu, bao phủ tất cả khu vực đô thị của các thành phố cấp quận và huyện. Phạm vi phủ sóng đang không ngừng mở rộng cả về chiều rộng và chiều sâu”, Zhao Zhiguo, trưởng nhóm kỹ sư và người phát ngôn MIIT, cho biết.
Theo Zhao Zhiguo và một quan chức cấp cao khác của MIIT, sự phổ biến nhanh chóng của cơ sở hạ tầng truyền thông tiên tiến đã thúc đẩy quá trình nâng cấp công nghệ cho các ngành công nghiệp Trung Quốc và tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của nước này.
Số lượng trạm gốc 5G xác định phạm vi phủ sóng và dung lượng của mạng. Điều này rất quan trọng để kích hoạt các ứng dụng và dịch vụ mới yêu cầu kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp, chẳng hạn như ô tô tự lái, phẫu thuật từ xa và nhà máy thông minh.
Zhao Zhiguo cho biết 3 triệu trạm 5G được kết nối với 676 triệu ĐTDĐ và hơn 2,12 tỉ người dùng thiết bị đầu cuối internet vạn vật (IoT) di động hoặc thiết bị được kết nối với internet thông qua mạng 5G (gồm thiết bị gia dụng thông minh, thiết bị đeo được và cảm biến công nghiệp).
Theo Zhao Zhiguo, việc mở rộng mạng lưới nhanh chóng một phần là do nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi đã và đang tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin mới và thúc đẩy mạnh mẽ sự hội nhập sâu rộng giữa nền kinh tế kỹ thuật số với nền kinh tế thực”.
Giảm chi phí và cải tiến công nghệ cũng đã giúp thúc đẩy việc mở rộng quy mô mạng 5G nhanh chóng.
Giá trung bình của một mô đun 5G cho ứng dụng công nghiệp ở Trung Quốc đã giảm xuống dưới 400 nhân dân tệ (55,41 USD), trong khi mức tiêu thụ năng lượng của mỗi trạm gốc giảm hơn 20% so với giai đoạn triển khai ban đầu, theo MIIT.
Tao Qing, Giám đốc văn phòng điều phối và giám sát hoạt động của MIIT, cho biết 5G đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng của công nghệ trong lĩnh vực sản xuất thông minh hơn là truyền tải video ngắn.
Tao Qing nói một số lượng lớn các xưởng kỹ thuật số và nhà máy thông minh hỗ trợ 5G đã được xây dựng trên khắp đất nước, nơi năng suất đã tăng hơn 1/3.
Tao Qing cho biết: “Chu kỳ phát triển sản phẩm của các nhà máy đã được rút ngắn trung bình 20,7% và hiệu quả sản xuất đã tăng trung bình 34,8%”. Bà nói thêm rằng tỷ lệ sản phẩm bị lỗi trung bình đã giảm hơn 27% và lượng khí thải carbon trung bình giảm hơn 1/5.
Zhao Zhiguo chỉ ra việc tăng doanh thu cho các doanh nghiệp thông minh. “Trong nửa đầu năm, doanh thu của các mảng kinh doanh mới nổi như trung tâm dữ liệu internet, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và IoT tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu dịch vụ viễn thông thêm 3,7 điểm%”, ông nói.
Zhao Zhiguo cho biết việc áp dụng và tích hợp công nghệ 5G đã lan rộng đến hơn 40 lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc, gồm cả công nghiệp, y tế, giáo dục và giao thông.
Theo Zhao Zhiguo, tại hơn 100 thành phố và hơn 1.000 khu công nghiệp, 5G đang giúp hàng trăm ngàn doanh nghiệp Trung Quốc cải thiện khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường toàn cầu.
5G cũng đang hỗ trợ sự phát triển của các thành phố thông minh với khả năng giám sát và kiểm soát lưu lượng giao thông, mức tiêu thụ năng lượng và điều kiện môi trường theo thời gian thực, giúp tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trung Quốc dự kiến triển khai mạng di động 6G từ 2030
Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu công nghệ những năm gần đây, cụ thể là trong việc triển khai mạng 5G của nước này. Trung Quốc đã sử dụng 5G để thúc đẩy các mục tiêu an ninh quốc gia và tăng thị phần toàn cầu trong lĩnh vực viễn thông.
Dự kiến Trung Quốc bắt đầu triển khai mạng di động 6G từ năm 2030. Cuối năm 2020, Trung Quốc đã phóng thành công một vệ tinh thử nghiệm mang theo các ứng cử viên cho công nghệ 6G tiềm năng, với hy vọng xác minh hiệu suất của dải tần số 6G trong không gian.
Chính phủ Mỹ cũng đang có kế hoạch phát triển mạng 6G với hy vọng sẽ mang lại cho nước này lợi thế công nghệ trong tương lai. Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ lo ngại về những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực viễn thông.
6G được kỳ vọng là nền tảng cho kỷ nguyên thông minh, không chỉ giúp con người tương tác với nhau mà còn giúp kết nối giữa thiết bị với thiết bị không có độ trễ nhờ khả năng truyền tải tốc độ cao. Song đến nay, thế giới vẫn chưa thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật và tần số hỗ trợ 6G.
3GPP, tổ chức thiết lập tiêu chuẩn truyền thông toàn cầu, cũng chưa công bố lộ trình cho 6G.
Theo các chuyên gia trong ngành, mạng di động 6G dự kiến sẽ nhanh hơn và đáng tin cậy hơn 5G hiện tại, đồng thời cung cấp độ trễ thấp hơn và sử dụng phổ vô tuyến hiệu quả hơn. Các chuyên gia cho biết 6G sẽ hỗ trợ tốc độ truyền dữ liệu có thể lên đến một terabit/giây.
Các mạng này có khả năng sử dụng các công nghệ mới như sóng terahertz để cải thiện truyền thông không dây, giúp kích hoạt các ứng dụng như thực tế ảo độ nét cao, giao tiếp 3D thời gian thực và các tác vụ dữ liệu có độ phức tạp cao khác mà không thể thực hiện được với công nghệ hiện tại.