Amazon phủ nhận yêu cầu nhân viên gỡ TikTok
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:19, 11/07/2020
>TikTok và các ứng dụng của Trung Quốc đã đánh cắp dữ liệu người dùng như thế nào?
Theo nội dung email Amazon gửi đến cho nhân viên vào sáng ngày 10.7 thì ứng dụng video ngắn TikTok là một rủi ro bảo mật cho các công nhân Amazon khi truy cập email của công ty trên điện thoại. Theo đó, công ty này yêu cầu các nhân viên của mình phải gỡ bỏ TikTok ra khỏi thiết bị di động, chậm nhất là vào cuối ngày.
Thế nhưng cùng ngày, người phát ngôn của Amazon đã phủ nhận thông tin này bởi Amazon không hề có chính sách hay yêu cầu nào có liên quan đến TikTok.
Giải thích vì sao nhân viên của Amazon lại nhận được email yêu cầu gỡ TikTok, người phát ngôn của công ty này nói: "Email sáng nay cho một số nhân viên của chúng tôi đã bị gửi nhầm. Hiện tại không có thay đổi nào đối với chính sách của chúng tôi liên quan đến TikTok", thế nhưng người đại diện của Amazon không nói rõ lỗi đã xảy ra như thế nào hoặc tại sao Amazon không khắc phục ngay?
TikTok được điều hành bởi ByteDance, một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Hiện TikTok là nền tảng video ngắn hàng đầu ở Châu Á và đã thiết lập chính nó như là ứng dụng phát triển nhanh nhất thế giới, với cộng đồng video âm nhạc lớn nhất trên toàn cầu.
Thời gian gần đây, mạng xã hội TikTok liên tiếp bị chỉ trích về chính sách bảo mật dữ liệu người dùng cũng như phần mềm có các lỗ hổng an ninh có thể giúp tin tặc đánh cắp thông tin người dùng để thực hiện các hành vi mờ ám. Thậm chí TikTok còn bị cáo buộc lén thu thập dữ liệu người dùng để gửi về Trung Quốc.
TikTok bị người dùng phát hiện truy cập vào bộ nhớ tạm trên iPhone
TikTok cũng bị một số quốc gia cấm sử dụng vì lo ngại đến vấn đề an ninh mạng.
Ngày 3.7.2018, TikTok bị cấm ở Indonesia, sau khi chính phủ Indonesia cáo buộc họ truyền bá "nội dung khiêu dâm, nội dung không phù hợp và xúc phạm tôn giáo. Ngay sau đó, TikTok cam kết ủy nhiệm 20 nhân viên làm việc với nội dung bị kiểm duyệt tại Indonesia và lệnh cấm được dỡ bỏ vào ngày 11.7.2018.
Tháng 11.2018, chính phủ Bangladesh chặn không cho truy cập TikTok.
Tháng 2.2019, một số chính trị gia Ấn Độ kêu gọi cấm TikTok hoặc quy định chặt chẽ hơn, sau khi có những lo ngại về nội dung khiêu dâm, đe dọa trực tuyến và các vụ lừa đảo.
Tháng 1.2020, Bộ Quốc phòng Úc cấm binh lính sử dụng ứng dụng Tiktok trên các thiết bị di động.
Tháng 1.2020, Bộ Quốc phòng Mỹ ra quyến định cấm tất cả binh lính không sử dụng TikTok trên thiết bị do chính phủ cấp. Trước đó, Bộ Quốc phòng và Hải quân Mỹ đều ra cảnh báo toàn bộ nhân viên nên gỡ bỏ ứng dụng TikTok và cảnh giác với tất cả ứng dụng được tải về smartphone.
Ngày 29.6.2020 Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm đối với 59 ứng dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó có TikTok, WeChat, UC Browser, Meitu… Theo chính phủ Ấn Độ, những ứng dụng này ảnh hưởng đến chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này.
Nhị Vân
TIN BÀI LIÊN QUAN
TikTok và các ứng dụng của Trung Quốc đã đánh cắp dữ liệu người dùng như thế nào?