Phát hiện: Sư tử từng là thức ăn của người tiền sử
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 09:00, 14/10/2023
Sau khi phân tích xương sư tử hang động Á - Âu (tên khoa học là Panthera spelaea - một phân loài đã tuyệt chủng của sư tử), các nhà khoa học mới đây đã phát hiện ra bằng chứng sớm nhất về việc người Neanderthal săn sư tử hang động, cũng như việc họ hàng gần nhất của con người hiện đại sử dụng da sư tử cho mục đích văn hóa.
Các nhà khoa học đã xác định được cách mà người Neanderthal giết chết một con sư tử hang động như thế nào. Những bộ xương cổ được phát hiện ở Đức tiết lộ người Neanderthal có thể bò đến phía sau sư tử khi nó đang nghỉ và đâm vào bụng nó.
Vết thương ở một trong những xương sườn của sư tử cho thấy vũ khí đã xuyên qua các cơ quan nội tạng quan trọng trước khi cắm vào ngực con vật. Cuộc săn sư tử này được ước tính diễn ra khoảng 48.000 năm trước, trong Thời kỳ đồ đá cũ giữa (Middle Paleolithic - cách đây 30.000 đến 300.000 năm).
Các nghiên cứu trước đây về bộ xương gần như hoàn chỉnh của sư tử hang động - mà các nhà nghiên cứu đã khai quật được ở Siegsdorf, miền nam nước Đức, vào năm 1985 - cũng tiết lộ những vết cắt trên một số xương. Điều này cho thấy người Neanderthal đã ăn thịt nó. Nhưng trước giờ, người ta vẫn chưa rõ liệu họ hàng của loài người chúng ta có săn bắt sư tử hay chỉ đơn giản là xử lý, chế biến xác của con vật đã chết trước đó.
Đến nay thì mọi thứ đã sáng tỏ. Trong một nghiên cứu mới, được công bố hôm thứ năm (12.10.2023) trên tạp chí Scientific Reports, các nhà khoa học viết: “Những phát hiện mới từ Siegsdorf giúp phác họa một bức tranh độc đáo về cuộc sống của loài người ở cuối thời Thời đại đồ đá cũ giữa (tức là giai đoạn thứ 2 của Thời đại đồ đá cũ). Phân tích của chúng tôi lần đầu tiên chứng minh rằng người Neanderthal có khả năng chủ động săn sư tử hang động bằng những ngọn giáo gỗ đơn giản”.
Người Neanderthal là một nhánh tuyệt chủng của tông người (hominin) xuất hiện khoảng 400.000 năm trước và biến mất cách đây 40.000 năm. Họ là họ hàng gần nhất được biết đến của con người hiện đại và có sự giao thoa gien với loài người chúng ta (homo sapiens). Theo nghiên cứu, người Neanderthal là những thợ săn thạo nghề và tích cực săn bắt những động vật ăn thịt lớn không chỉ để ăn mà còn mục đích phục vụ cho các lễ nghi.
Theo nghiên cứu, vết đâm trên xương của sư tử hang động có góc cạnh và giống với những vết thương được tìm thấy trên đốt sống của hươu được cho là do giáo gỗ của người Neanderthal gây ra. Việc không có dấu răng trên xương sườn của sư tử và hình dạng vết đâm đã loại trừ khả năng một loài vật săn mồi khác hạ sát nó.
Sau khi những thợ săn người Neanderthal hạ được con mồi là sư tử hang động, họ có thể đã lột xác, cắt thịt và nội tạng rồi bỏ loại phần còn lại. Nhóm nghiên cứu viết rằng các vết cắt cho thấy nó đã bị xẻ thịt tại địa điểm bị hạ sát và cho biết thêm rằng con sư tử có thể ở tình trạng trọng thương khi chết.
Nghiên cứu mới cũng tìm thấy những thứ có thể là bằng chứng sớm nhất về việc người Neanderthal sử dụng da sư tử hang động để làm quần áo hoặc đệm ngủ.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những vết cắt trên xương ngón chân của 3 con sư tử hang động có niên đại từ 45.000 đến 55.000 năm trước cho thấy chúng đã bị lột da và móng vuốt của chúng được giữ lại. Những bộ xương - được khai quật vào năm 2019 từ Einhornhohle ở miền Trung nước Đức - không được đánh bóng, vẫn nguyên vẹn và không có bất kỳ đặc điểm đặc biệt nào liên quan đến xương dùng làm mặt dây chuyền hoặc quần áo.
Điều đó khiến các nhà nghiên cứu khẳng định: “Bằng chứng hiếm hoi này cho thấy rằng loài người trong thời kỳ đồ đá cũ có thể xử lý cẩn thận bộ lông của động vật ăn thịt lớn để giữ nguyên các yếu tố thẩm mỹ như móng vuốt”.
Họ nói thêm rằng cả hai khám phá này đều “cung cấp thông tin mới về sự phức tạp trong hành vi của người Neanderthal”.