Nỗi lo chuyển đổi số của người nông dân

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:50, 14/10/2023

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số, trong đó người nông dân là trung tâm của chuyển đổi số.

Nông dân lo ngại bảo mật, an toàn ngân hàng

Cả nước đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số, trong đó có chuyển đổi số trong tài chính, ngân hàng. Nông dân Phạm Văn Quyên - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nam Việt nhìn nhận hiện nay còn rất nhiều hiện tượng người dân mất tiền trong tài khoản ngân hàng, đặc biệt là người dân vùng nông thôn.

thuhoachche.jpg
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số - Ảnh: IT

"Ví dụ như chúng tôi nhiều khi vô tình nhấn vào được link giả mạo khiến bị đối tượng lừa đảo rút sạch tiền, báo chí nói nhiều chúng tôi cũng rất lo lắng, bất an khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số. Vậy cơ quan chức năng có giải pháp nào để giải quyết tệ nạn này không để chúng tôi yên tâm sử dụng dịch vụ? Khi xảy ra tình trạng mất tiền thì chúng tôi biết đòi ai? Tôi cho rằng, chỉ khi các câu hỏi này được trả lời thì những người nông dân như chúng tôi mới thật sự sẵn sàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng, tài chính số.

Tình trạng này thường xảy ra ở khu vực nông thôn, có những cuộc gọi đến ví dụ thông báo phạt nguội vì vi phạm luật giao thông, họ biết được cả họ tên đầy đủ, quê quán chính xác... như vậy có phải dữ liệu cá nhân của chúng tôi đang được mua bán hay không? Bộ Công an có nắm được vấn đề này không? Phía ngân hàng bảo mật thông tin cho chúng tôi như thế nào nếu chúng tôi sử dụng dịch vụ của ngân hàng, đặc biệt trên kênh số? Tôi cũng đề nghị Bộ Công an và các ngân hàng làm rõ vấn đề này và truyền thông tới khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để bà con chúng tôi nắm được", anh Quyên nói.

Các thanh toán số tuy rất có lợi khi người dân sử dụng, tuy nhiên hiện nay việc thực hiện rút tiền từ tài khoản công ty vẫn là dùng séc rút tiền. Hình thức này có nhược điểm là phải ra phòng giao dịch, trong khi ở nông thôn phòng giao dịch không nhiều, đi lại xa gây khó khăn và đôi khi phải thực hiện giao dịch tại chi nhánh của ngân hàng khác, khi đó chi phí rút theo hình thức này chiếm 0,033% tổng số tiền. Với khoản 1 tỉ đồng trở lên thì chi phí này cũng rất lớn. "Chúng tôi mong muốn ngân hàng có dịch vụ phù hợp và thuận lợi cho các hợp tác xã như chúng tôi, thay vì rút bằng séc, phải đến tận phòng giao dịch thì nên số hóa trên các app ngân hàng số hiện nay", anh Quyên đề xuất.

Về vấn đề an toàn, bảo mật thông tin trong ngành, ông Phan Thanh Dũng - Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước) cho biết hiện nay hằng năm Ngân hàng Nhà nước tổ chức kiểm tra các tổ chức tín dụng và kết quả là 100% các ngân hàng có hệ thống bảo mật chống xâm nhập, xác định khách hàng đa thành tố, dữ liệu, lọc nội dung, ghi nhật ký giao dịch... Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng và xác lập mạng lưới xử lý sự cố toàn hệ thống.

Trong trường hợp sự cố xảy ra đối với ngân hàng thương mại thì Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ nhau để xử lý sự cố an ninh, an toàn. Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã triển khai tập huấn, hệ thống ứng cứu, diễn tập hằng năm. Ông Dũng nói Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nên ban hành đầy đủ quy định, đảm bảo hệ thống an toàn để chuyển dổi số, an toàn bảo mật.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) khuyến cáo bà con nông dân, người tiêu dùng phải ý thức được việc bảo mật thông tin cá nhân của mình. Nghị định 13 cũng đã mở đường tạo điều kiện pháp lý để bảo vệ thông tin cá nhân. Chúng ta phải biết bảo vệ thông tin cá nhân của mình, tuyệt đối không cung cấp cho người khác thông tin liên quan đến tài chính ngân hàng. "Vừa qua, chúng tôi cũng đã có văn bản yêu cầu tất cả tổ chức tín dụng trung gian thanh toán, khi gửi thông qua thông tin tin nhắn, email đến người tiêu dùng, tuyệt đối không sử dụng đường link. Hiện nay việc giả mạo link trong tin nhắn đã khiến người tiêu dùng bị lừa. Một số ngân hàng trong khu vực cũng đã có các chỉ đạo tương tự", ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn cũng yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng khi cung cấp dịch vụ mobile banking tại quầy phải xác minh điện thoại chính chủ, thông qua việc gửi tin nhắn đến 1404. Giao dịch viên phải kiểm tra lại toàn bộ thông tin khi khách hàng cung cấp để đảm bảo rằng người đăng ký dịch vụ mobile banking chính là chủ là tài khoản đã được mở. Điều đó sẽ ngăn chặn, hạn chế tình trạng thông tin bị thất thoát, thông tin được mua bán, trao đổi.

Một điểm nữa, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu dự thảo gửi các tổ chức tín dụng, lấy ý kiến về biện pháp xác thực bằng khuôn mặt sinh học, thu thập lấy dữ liệu từ căn cước công dân và đây là tiền đề đảm bảo chính chủ khi mở bằng email PC và cũng là tiền đề đảm bảo người mở tài khoản đó là người thực hiện nhiệm vụ thanh toán.

"Dự kiến quyết định này sẽ có hiệu lực từ tháng 4.2024, để các tổ chức tín dụng có thời gian thu thập thông tin của người tiêu dùng. Khi đó chúng tôi tin rằng tình trạng lừa đảo, gian lận khó xảy ra. Khi người tiêu dùng thực hiện giao dịch ở một hạn mức nhất định sẽ được kiểm tra bằng khuôn mặt sinh trắc học phải khớp với khuôn mặt khi mở tài khoản", ông Tuấn cho hay.

Về tình trạng và nguy cơ có thể bị chiếm đoạt tài sản thông qua các ứng dụng tài khoản ngân hàng, trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó cục trưởng A05 (Bộ Công an) nói tội phạm mạng, tội phạm lừa đảo qua mạng không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn phổ biến trên toàn cầu, ngay cả những nước tiên tiến như Mỹ, Úc... cũng có tình trạng lừa đảo qua mạng. Trong khi các biện pháp bảo vệ của nhà nước, cá nhân chưa tương xứng thì đương nhiên dẫn đến những nguy cơ liên quan tới tội phạm. Hiện nay, hoạt động lừa đảo như một nghề, có thể nói số lượng người coi lừa đảo là một nghề để hoạt động rất lớn. Do đó, số vụ việc lừa đảo xảy ra là rất rộng, thậm chí có sự câu kết trong nước và nước ngoài.

Bộ Công an đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai rất nhiều biện pháp ngăn chặn lừa đảo, tình trạng lừa đảo đã giảm đi nhiều. Sắp tới, các ngân hàng sử dụng ứng dụng nhận diện qua khuôn mặt sẽ hạn chế được tình trạng sử dụng tài khoản của người khác để thực hiện giao dịch. Nông dân, người ở vùng sâu vùng xa là những người yếu thế có thể bị các đối tượng lừa đảo nhắm tới để chiếm dụng tài sản.

Ngoài ra, các đối tượng lợi dụng thông tin cá nhân của khách hàng lộ lọt trên mạng xã hội để lừa đảo, dẫn dắt qua các hình thức được hưởng hoa hồng từ hoạt động thương mại điện tử. Thậm chí, những hoạt động lừa đảo còn tinh vi giả danh công an, viện kiểm sát tham gia các vụ án để yêu cầu người dân chuyển tiền. "Tôi khẳng định, không có chuyện cơ quan công an, viện kiểm sát lại yêu cầu người dân chuyển tiền thông qua điện thoại. Kẻ lừa đảo còn tinh vi đến mức, có những đội ngũ chuyên nghiên cứu, tạo các kịch bản lừa đảo. Do đó, cần có những phương án tuyên truyền, chia sẻ tới người dân", ông Tùng cho hay.

Cần suy nghĩ tầm quốc gia về chuyển đổi số cho nông dân

TS Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng ban Kinh tế trung ương cho biết tại Việt Nam, khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn rất quan trọng, hiện 65,4% số dân đang ở nông thôn. Đóng góp trong GDP của lĩnh vực nông-lâm-thủy sản hiện chiếm 11,8%, nhưng nếu tính toán đủ thì lớn hơn nhiều bởi ngành này có tính lan tỏa lớn hơn nhiều.

"Lao động lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn năm 2022 chiếm 27,6% tổng lao động, xuất khẩu nông nghiệp đạt 23,5 tỉ USD năm 2022. 3 năm qua, nông nghiệp vẫn là bệ đỡ, điểm tựa quan trọng của nền kinh tế khi đại dịch diễn ra, trong khi lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chững lại. Nông nghiệp tiếp tục có lợi thế, trở thành trụ đỡ", ông Hiển nói.

Theo TS Hiển, chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, khâu trung gian vẫn có tỷ lệ lớn. Vì vậy, người nông dân cần chuyển đổi số, bán hàng trên môi trường điện tử nhằm rút ngắn khâu trung gian, gia tăng giá trị nông sản của chính mình, đa dạng khách hàng.

"Khu vực nông nghiệp là thị trường, khách hàng quan trọng đặc biệt. Việt Nam xác định chuyển đổi số là toàn dân, toàn diện, rút ngắn chuyển đổi số đặc biệt cho nông nghiệp, bởi tính chất ngành nghề và những đóng góp của nông nghiệp là lớn", ông Hiển nhấn mạnh.

Đối với ngân hàng, TS Nguyễn Đức Hiển khẳng định đây là mạch máu của nền kinh tế, lĩnh vực tiên phong chuyển đổi số. Vì vậy, cần triển khai tài chính toàn diện, nâng cao chuyển đổi cho nông dân và thúc đẩy công nghệ chuyển đổi số.

Về giải pháp, theo Phó ban Kinh tế trung ương, kế hoạch chuyển đổi số các ngành đều có. Tuy nhiên, cơ chế còn thiếu và yếu, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng đều chỉ ra những vấn đề liên quan đến an toàn, bảo mật, ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển nông nghiệp.

Ông Hiển dẫn một sự việc ở Đồng Nai, khi bắt đầu thực hiện truy suất nguồn gốc chăn nuôi, mới đầu rất hào hứng, 85% trang trại đăng ký. Nhưng sau 1 năm, chỉ 18% có báo cáo định kỳ. Lúc đầu rất hăm hở, đăng nhập, nhưng không có cơ chế pháp lý, sau 1 năm thì không ai muốn thực hiện. Quá trình chuyển đổi số liên tục, xuyên suốt đã không đạt yêu cầu.

"Cần liên thông dữ liệu, trường dữ liệu khác nhau. Cơ chế pháp lý khai thác, sử dụng và phối hợp chính sách cần được bổ sung. Cơ chế chính sách thực sự hiện nay phải nhìn nhận chúng ta có, nhưng chính sách gì lớn của nhà nước cho nông thôn, nông dân về chuyển đổi số là rất ít", ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, cần phải có chính sách rõ ràng, để đẩy mạnh chuyển dịch số đối với nhóm này sẽ tạo tính căn bản, lan tỏa chung của quá trình chuyển đổi số của đất nước. "Xây dựng nền tảng số, chúng ta có phát triển vượt bậc về hạ tầng viễn thông, internet, nhưng đặt ra yêu cầu đầu tư, xã hội hóa đến đâu thì chúng ta cần tiếp tục đầu tư, xã hội hóa, tiền đầu tư nhà nước như nào thì cần tiếp tục. Trung Quốc đặt yêu cầu phổ biến 4G và 5G đến tất cả khu vực nông dân, nông thôn. Vậy muốn làm thế, chúng ta dùng cơ chế nào, chính sách nào để phù hợp?", Phó ban Kinh tế trung ương nói.

Theo TS Nguyễn Đức Hiển, đất nước đặt trọng tâm chuyển đổi cơ sở hạ tầng bằng đầu tư đường cao tốc với mạng lưới xây dựng xuyên suốt để phát triển đất nước. Với chuyền đổi số, trong đó chuyển đổi số tài chính ngân hàng và nông nghiệp nông thôn, cũng phải có suy nghĩ tầm quốc gia tương tự như việc đầu tư đường cao tốc.

Tuyết Nhung