Cụ bà bị ung thư phổi giai đoạn cuối vì chồng hút thuốc trong nhà
Thông tin Y học - Ngày đăng : 16:00, 14/10/2023
Trong vòng 1 tháng gần đây, bà B.N (72 tuổi) phát hiện mình sụt cân nhanh và đau lưng nên đến một bệnh viện trên địa bàn TP.HCM kiểm tra. Tại đây, sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bà N. bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Bà N. quá sốc và bàng hoàng trước kết quả trên vì bản thân không nghĩ mình bị bệnh ung thư và càng không thể mắc ung thư phổi.
Qua điều tra bệnh sử, được biết bà N. chưa từng hút thuốc lá bao giờ, nhưng chồng bà là ông M.C có thói quen hút thuốc lá trong nhà.
TS-BS Nguyễn Minh Đức (Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) - người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân N. cho biết, trong trường hợp này, bà bị ung thư phổi là do hút thuốc lá thụ động từ người chồng trong nhiều năm. "Mặc dù các bác sĩ cố gắng cứu chữa nhưng bà N. đã tử vong không lâu sau đó", bác sĩ Đức cho biết thêm.
Theo bác sĩ Đức, qua thăm khám và tầm soát ung thư, ông đã phát hiện phần lớn các nữ bệnh nhân bị ung thư phổi đều có người thân (cha, chồng, con hoặc tất cả) hút thuốc lá, đặc biệt họ có thói quen hút thuốc lá trong nhà.
"Ta hứa sẽ yêu thương và che chở họ suốt cả cuộc đời mà ta lại hút thuốc lá, bắt họ hít làn khói độc hại đó cùng với mình. Nhiều trường hợp tôi biết dù đã thấy người thân vô tội như mẹ ruột, hay vợ mình bị ung thư phổi do mình hút thuốc nhưng vẫn không bỏ thuốc", bác sĩ Đức kể.
Cũng theo bác sĩ Đức, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy ung thư phổi ở nam giới do hút thuốc lá chiếm tỷ lệ lớn, nhưng hút thuốc lá thụ động cũng gây ra ung thư phổi và thường xảy ra ở nữ giới. Nguy cơ gần như tăng gấp đôi so với hút thuốc lá chủ động, đúng nghĩa câu "quýt làm cam chịu".
“Phổi giống như một “ngôi nhà” trong cơ thể con người, chứa những thứ tốt đẹp nhất, an yên nhất chứ không phải để chứa các chất sinh ung thư từ khói thuốc lá như nicotine, acrolein, N-nitrosamines, acetaldehyde, benzen, polycyclic aromatic hydrocacbons”, bác sĩ Đức nói.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế cho biết có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy những đứa trẻ có người thân hút thuốc lá trong nhà thường gặp nhiều bệnh về đường hô hấp như hen, suyễn, viêm phế quản, viêm mũi họng, viêm xoang...
“Chất lượng không khí ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn rất ô nhiễm cũng là yếu tố dễ gây ung thư phổi, nếu còn thêm khói thuốc lá thì nguy cơ lại càng tăng cao thêm nhiều”, bác sĩ Đức nhấn mạnh.
Từ thực tế trên, bác sĩ Đức khuyến cáo người dân, nhất là nam giới nên dừng việc hút thuốc, đặc biệt là hút thuốc lá trong nhà. Nếu chưa thể bỏ thuốc lá ngay, khi hút thuốc lá hãy có một khoảng cách thật an toàn với người mà mình cần bảo vệ, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Ngoài ra, người dân cũng nên dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, có nhiều ánh sáng, tránh chất nhiều đồ, nhất là trong phòng ngủ bởi như thế làm giảm phát sinh khí radon - loại khí rất hay sinh ung thư phổi.
Những trường hợp thuộc đối tượng nguy cơ, hoặc nguy cơ cao nên đi tầm soát ung thư phổi sớm bằng chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
“Những người thân trong gia đình cần có kiến thức và thái độ đúng đắn, phù hợp và chính xác trước thói quen xấu là hút thuốc lá của chồng, bạn trai... vì đó là một hành vi sáng suốt tự bảo vệ sức khỏe bản thân, người thân, thậm chí tương lai của mình sau này. Có thể nói rất nhiều người trong chúng ta đã, đang và sẽ là nạn nhân của hút thuốc lá thụ động. Do đó cần phải năng cao sự bảo vệ bản thân trước khói thuốc lá”, bác sĩ Đức nói thêm.