Ánh sáng tia cực tím có tiêu diệt được vi rút gây bệnh COVID-19 không?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:21, 13/07/2020
Câu trả lời ngắn gọn là có. Nhưng để hoạt động này hiệu quả, phải dùng đúng loại UV phù hợp dưới sự giám sát bởi các chuyên gia được đào tạo chuyên sâu. Nói cách khác, nhiều thiết bị đèn UV tại nhà tuyên bố tiêu diệt SARS-CoV-2 có thể không phải là một lựa chọn an toàn.
Được biết, tia UV (từ tiếng Anh Ultraviolet) hay còn được gọi là tia cực tím hay tia tử ngoại, là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn tia X. Phổ tia cực tím bao gồm thành tử ngoại gần (có bước sóng từ 380 đến 200 nm) và tử ngoại xạ hay tử ngoại chân không (có bước sóng từ 200 đến 10 nm).
Bức xạ UV có thể được phân thành ba loại dựa trên bước sóng: UVA, UVB và UVC. Nhóm UVA (tia cực tím bước sóng A) gồm 95% tia nắng mặt trời. Nhóm UVB (tia cực tím bước sóng B) gây cháy nắng, làm giảm khả năng sản xuất collagen và elastin trên da. Trong khi đó UVC có bước sóng ngắn nhất và năng lượng cao nhất, có thể hoạt động như một chất khử trùng. Gần như tất cả các bức xạ UV đến Trái đất là UVA do phần lớn UVB và UVC được hấp thụ bởi tầng ozone.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, UVC có thể vô hiệu quá vi khuẩn mà không gây hại cho da của động vật có vú. Đó là vì tia này được các vật liệu sinh học hấp thụ rất mạnh nên nó không thể xuyên qua ngay cả các lớp ngoài cùng của da hoặc mắt người. Tuy vậy, vì vi khuẩn và vi rút có kích thước vô cùng nhỏ nên UVC có thể xuyên thấu và vô hiệu hóa chúng. Do đó, chiếu xạ tia UVC có thể loại bỏ cả các vi rút sống trong không khí mà không gây hại cho con người.
"UVC đã được sử dụng trong nhiều năm và không phải là điều mới mẻ. UVC ở bước sóng cụ thể là 254 nm đã được sử dụng thành công để vô hiệu hóa cúm H1N1 và các coronavirus khác, chẳng hạn như vi rút đường hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV)", Indermeet Kohli, nhà vật lý nghiên cứu về quang tuyến trong da liễu tại Bệnh viện Henry Ford ở Detroit (Mỹ) cho biết.
Một nghiên cứu được công bố vào ngày 26.6 từ các đồng nghiệp của Kohli đang chờ đánh giá, chứng minh rằng UVC cũng có thể loại bỏ SARS-CoV-2.
Vi rút không tự sinh sản nhưng chúng có vật chất di truyền là DNA hoặc RNA. Chúng sinh sản bằng cách bám vào tế bào và tấn công DNA của tế bào. Một số vi rút làm chết tế bào để chúng có thể sinh sản, hay còn gọi là chu trình tan; còn một số khác thì nhập vào tế bào và sinh sản theo mỗi lần tế bào phân chia, hay còn gọi là chu trình tiềm tan.
Cơ chế diệt vi rút của tia UVC cũng giống như lúc bạn bị cháy nắng: tia UV khiến DNA bị hư tổn. Một phân tử DNA bao gồm hai chuỗi gắn kết lại với nhau bởi 4 gốc là adenine (A), cytosine (C), guanine (G) và thymine (T). Những gốc này giống như bảng chữ cái và trình tự của chúng chính là hướng dẫn cho tế bào sinh sản. Tia UVC gây ra các tổn thương trong DNA và RNA của vi rút để chúng không thể tự sao chép, từ đó vô hiệu hóa hoạt động của vi rút.
"Dữ liệu về việc sử dụng tia UVC có thể biến nó trở thành một công cụ có giá trị trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành. Nhưng khi tiếp xúc nhiều với tia UVC, khả năng gây tổn hại DNA khiến nó cực kỳ nguy hiểm đối với da và mắt của con người", chuyên gia Kohli nói.
Bà cảnh báo rằng các công nghệ khử trùng UVC chủ yếu nên được sử dụng cho các cơ sở y tế và cần được đánh giá về tính an toàn, hiệu quả của các đội ngũ có chuyên môn về quang tuyến cùng quang sinh học. Bởi như đã nói ở trên, chiếu xạ UV cũng có thể làm hỏng DNA của con người và rất dễ gây ra các vấn đề về sức khỏe như ung thư da hoặc đục thủy tinh thể ở mắt.
Việc lắp đặt đèn UVC tại các hộ gia đình là rất hạn chế vì mức độ nguy hiểm của tia cực tím với sức khoẻ và hơn hết là nó không tiện dụng cho vấn đề di chuyển, không lắp đặt được cho các không gian nhỏ, hẹp.
"Khi nói đến việc lắp đặt đèn UVC tại nhà, khả năng làm hỏng da và mắt của chúng không phải là mối nguy hiểm duy nhất. Những thiết bị này thường có chất lượng thấp và không có gì đảm bảo rằng bạn thực sự loại bỏ mầm bệnh", tiến sĩ Jacob Scott, bác sĩ nghiên cứu tại khoa Huyết học và Ung thư học tại Bệnh viện Cleveland (Mỹ) cho biết.
Hoàng Vũ (theo Live Science)