Apple tuân thủ các quy định về ứng dụng ở Trung Quốc, gây trở ngại lớn cho nhà phát triển
Thế giới số - Ngày đăng : 15:40, 15/10/2023
Trong nhiều năm, những người dùng như Alex (28 tuổi ở thành phố Quảng Châu phía nam Trung Quốc) đã mua iPhone để thường xuyên duyệt Instagram và YouTube. Đây là những ứng dụng bị chặn bởi Great Wall (tường lửa vĩ đại) của Trung Quốc nhưng có thể tải xuống từ cửa hàng iOS ở nước này. Bằng cách sử dụng mạng riêng ảo (VPN), Alex có thể truy cập nội dung trên các ứng dụng đó.
Alex cho biết nỗ lực này là xứng đáng vì cho phép anh trải nghiệm nhiều quan điểm và thông tin đa dạng hơn những gì có thể nhận được từ ứng dụng địa phương, dù VPN ngày càng khó tìm thấy ở Trung Quốc.
Sở thích của Alex không phải là hiếm. Các ứng dụng nước ngoài bị cấm thường thu hút hàng triệu lượt tải xuống trên App Store của Trung Quốc, do những người trẻ tuổi đang tìm cách kết nối ở nước ngoài hoặc lách kiểm duyệt web.
Cuối năm 2022, X (trước đây được gọi là Twitter) và Telegram trở thành hai trong số những ứng dụng thịnh hành hàng đầu tại Trung Quốc. Vào năm 2023, Google Chrome dẫn đầu danh sách cho đến nay, đã có khoảng 7 triệu lượt tải xuống, trong khi Instagram và X đều đạt 5 triệu lượt tải xuống, theo dữ liệu từ nhà cung cấp thông tin thị trường ứng dụng Sensor Tower.
Sau khi Trung Quốc thắt chặt quy định về ứng dụng vào năm ngoái, Apple gần đây đã bắt đầu yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng xuất trình bằng chứng được cấp phép từ các cơ quan quản lý internet nước này. Động thái mới nhất của gã khổng lồ Mỹ nhằm tuân thủ luật kiểm duyệt tại một trong những thị trường sinh lợi nhất.
Các chuyên gia dự đoán rằng Apple sẽ sớm bắt đầu loại bỏ ứng dụng không được cấp phép, chẳng hạn Instagram, Google và X. Dù có thể truy cập một số nền tảng này thông qua trình duyệt web bằng VPN, Alex cho biết việc thay đổi chính sách sẽ làm phức tạp việc sử dụng các nền tảng có nguồn gốc nước ngoài.
Trong khi đó, nhiều dịch vụ khác, chẳng hạn WhatsApp, vốn đang dần thu hút được sự chú ý ở Trung Quốc, chỉ có thể được truy cập thông qua ứng dụng.
Theo các nhà phát triển ứng dụng Trung Quốc quen thuộc với Apple, một thay đổi quan trọng trong chính sách của nhà sản xuất iPhone là các ứng dụng cần phải nhận được giấy phép Nhà cung cấp nội dung internet (ICP) từ các cơ quan quản lý Trung Quốc.
Samuel Jesse, người sáng lập và Giám đốc kỹ thuật số của Digital Creative Asia, công ty trải nghiệm người dùng và sản phẩm kỹ thuật số có trụ sở tại thành phố Thượng Hải, cho biết: “Điều đó đã có tác động lớn đối với lĩnh vực này”.
Samuel Jesse nói quy định này không chỉ ảnh hưởng đến các ứng dụng nước ngoài bị kiểm duyệt mà còn cả ứng dụng nhắm mục tiêu đến người dùng Trung Quốc nhưng không có hoạt động tại địa phương, đồng thời cho biết thêm rằng các nhà phát triển nhỏ, độc lập có thể sẽ gặp nhiều khó khăn nhất.
Ông nói rằng Digital Creative Asia đã tư vấn cho những khách hàng nước ngoài muốn tiếp tục tồn tại trên App Store về cách họ có thể lưu trữ ứng dụng của mình ở Trung Quốc hoặc tạo một phiên bản ứng dụng tập trung vào quốc gia châu Á này, tách biệt với phiên bản toàn cầu. Tùy chọn thứ hai không phải lúc nào cũng hiệu quả.
LinkedIn (công ty con của Microsoft) đã tạo ra một phiên bản ứng dụng tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc với các bộ lọc nội dung nghiêm ngặt vào năm 2021, nhưng đã từ bỏ nỗ lực này vào đầu năm nay.
Các nhà phát triển ứng dụng khác đang tìm cách hợp tác với nhà xuất bản địa phương cung cấp dịch vụ lưu trữ ứng dụng có tính phí ở Trung Quốc.
AppInChina, một trong những công ty xuất bản như vậy, đã nhận thấy sự tăng đột ngột số yêu cầu được gửi đến họ để làm đại diện tại Trung Quốc kể từ khi Apple cập nhật hướng dẫn phát triển và bắt đầu ngăn chặn các ứng dụng không có giấy phép phát hành các bản cập nhật, theo lời Giám đốc điều hành Rich Bishop.
Các nhà phát triển nhỏ ở địa phương cũng bày tỏ sự thất vọng với những yêu cầu nộp ứng dụng, cảnh báo rằng chúng làm tăng chi phí và cản trở mô hình kinh doanh chung là nhanh chóng khởi chạy ứng dụng và đổi mới theo thời gian thông qua các bản cập nhật nhanh chóng.
Các nhà phát triển địa phương nhỏ cũng thể hiện sự thất vọng với yêu cầu liên quan đến việc đăng ký ứng dụng. Họ cảnh báo rằng những yêu cầu này tăng chi phí và cản trở mô hình kinh doanh phổ biến của mình, gồm việc nhanh chóng ra mắt các ứng dụng và đổi mới theo thời gian thông qua các bản cập nhật nhanh chóng.
Ngoài việc cấp phép ICP, các ứng dụng có thể sẽ cần phải đáp ứng vô số chính sách và tiêu chuẩn kiểm duyệt, chẳng hạn như nhiều luật truyền dữ liệu khác nhau được ban hành vào năm 2021.
Ở Trung Quốc cũng tồn tại các loại giấy phép bổ sung và hạn chế hơn cho các ứng dụng chứa tài liệu liên quan đến game, sách, tạp chí, tôn giáo và tin tức.
Trong nhiều năm, Apple đã chống lại việc tuân theo các chính sách phát triển ứng dụng hạn chế hơn giống các đối thủ cạnh tranh địa phương, một phần bằng cách thực hiện yêu cầu đặc biệt từ các cơ quan quản lý Trung Quốc để xóa các ứng dụng gây tranh cãi cụ thể.
Song vào tháng 8.2022, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã cập nhật chính sách nhà cung cấp ứng dụng của mình, yêu cầu các nền tảng phân phối ứng dụng gửi một số thông tin nhất định cho cơ quan có thẩm quyền để đăng ký. CAC quy định rằng các cửa hàng ứng dụng phải tích cực kiểm soát sản phẩm của họ và từ chối tải lên các ứng dụng có nội dung không phù hợp, “chứa thông tin bất hợp pháp hoặc xấu”.
Theo trang Wall Street Journal, Apple đã gặp các quan chức Trung Quốc để bàn về chính sách này. Tuy nhiên, CAC vào cuối tháng 9 đã công bố danh sách cửa hàng ứng dụng đã đăng ký, đáng chú ý là App Store của Apple vắng mặt. Các quan chức cho biết việc không đăng ký trong khoảng thời gian từ tháng 9.2023 đến tháng 3 .2024 sẽ bị phạt.
Ngay sau đó, Apple bắt đầu yêu cầu giấy phép ICP từ các nhà phát triển ứng dụng. Một tác động khác của các yêu cầu từ CAC là có thể thu hẹp số lượng ứng dụng có sẵn ở Trung Quốc, được một số người coi là chỉ số cho sự phát triển nền kinh tế kỹ thuật số một quốc gia.
Theo dữ liệu từ Sensor Tower, App Store ở Trung Quốc hiện có số lượng ứng dụng lớn nhất trong số tất cả các nền tảng tại quốc gia này, với khoảng 21% trong số 5.000 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất là do các nhà phát triển nước ngoài xuất bản.
Dữ liệu đó không tính đến những người đã tải xuống ứng dụng thông qua các cửa hàng iOS được đặt ở các nơi khác ngoài Trung Quốc hoặc từ nền tảng của bên thứ ba.
Kareem Abdelkader, người Ai Cập làm việc tại Thượng Hải, nói anh có thể tiếp tục truy cập và cập nhật các ứng dụng bị cấm như Instagram từ Trung Quốc bằng cách giữ cài đặt khu vực Apple ID của mình ở Ai Cập.
Những người dùng muốn thay đổi cài đặt khu vực của App Store thường phải cung cấp một phương thức thanh toán được chấp nhận bởi nơi họ muốn chuyển đến, điều này có thể làm phức tạp quá trình.
Tuy nhiên, Tanya, một người quản lý mạng xã hội 28 tuổi ở Thượng Hải, cho biết cô có thể mua ID Apple của Mỹ trực tuyến và sử dụng nó để tải xuống VPN rồi truy cập Instagram, YouTube, WhatsApp. Dù vậy, Tanya nói thêm rằng việc phải liên tục chuyển đổi giữa các tài khoản thật khó chịu.
Abraham Yousef, nhà phân tích chuyên sâu cấp cao tại Sensor Tower, cho hay: “Chắc chắn sẽ vẫn còn những sơ hở mà người dân ở Trung Quốc, đặc biệt là những người hiểu biết về công nghệ hơn, sẽ tìm ra để sử dụng những ứng dụng này. Tuy nhiên, tôi cho rằng mức độ sử dụng này sẽ giảm, với chính sách thắt chặt tạo ra rào cản đáng kể hơn cho việc tiếp cận, khiến người dùng ít có khả năng tìm thấy ứng dụng ngay từ đầu”.