'Xanh hóa' nền kinh tế: Nhu cầu bức thiết nhưng làm không dễ
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:10, 18/10/2023
“Xanh hóa” nền kinh tế
Trong báo cáo của Bộ KH-ĐT trình Chính phủ, nhiều khó khăn, thách thức vẫn tiếp diễn ra trong năm 2023 - 2024 và chưa có tín hiệu rõ ràng sẽ giảm, hoặc chấm dứt.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng bối cảnh mới, các các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn ngày càng cao khi tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Chẳng hạn như tiêu chí xanh, tiêu chuẩn carbon, rác thải, bảo vệ môi trường trong sản phẩm xuất khẩu. Nếu không quan tâm đến vấn đề đó thì việc đạt được các đơn hàng trong tương lai là rất khó vì sự cạnh tranh rất khốc liệt”, ông Phương nói.
Ngoài ra, theo ông Phương, các mô hình truyền thống không còn phù hợp trong tình hình hiện nay. Do đó, DN phải nghĩ đến mô hình mới, trong đó, vấn đề chuyển đổi năng lượng, hướng tới năng lượng xanh đang là một xu thế tất yếu và là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tác động đến những mô hình sản xuất, cũng như bảo đảm các tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu ra thế giới.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang là xu hướng tất yếu. Các yếu tố này cũng đang dần trở nên quan trọng trong quyết định cho vay hoặc đầu tư của các tổ chức tài chính.
Ngoài ra, các DN khi xuất khẩu sang thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ thì yếu tố xanh, bền vững ngày càng quan trọng. Ví dụ, hàng may mặc của Việt Nam thời gian qua gặp một số vấn đề khi xuất khẩu, trong khi Bangladesh đã chuyển đổi và họ tận dụng được cơ hội ở nước ngoài.
Ông Huân khuyến nghị rằng việc các ngân hàng hỗ trợ quá trình chuyển đổi này tạo sức bật cho DN thời gian tới, thúc đẩy chiến lược xuất khẩu của Việt Nam.
Thực tế, chủ trương phát triển kinh tế xanh, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, carbon thấp… đã được nêu ra tại Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, thông qua tại Đại hội lần thứ 13 của Đảng.
Việt Nam cũng đã cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và để đạt được cần rất nhiều nguồn lực.
Các chuyên gia cho rằng để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" và chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững cần áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, nguyên nhiên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường…
Nhà nước cần hỗ trợ DN “xanh hóa”
Nói với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng trước xu hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh trên thế giới và để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường các nước phát triển, các DN cần đẩy mạnh quá trình “xanh hóa” sản xuất, kinh doanh, thực hiện tiết kiệm nguyên nhiên, vật liệu, năng lượng một cách tốt nhất.
Ngoài ra, ông Thịnh cũng nhấn mạnh Nhà nước cũng cần có các cơ chế, chính sách nhằm mục đích kích cầu hoạt động “xanh hóa” của các DN.
“Hiện nay, có rất nhiều ưu đãi cho các DN thực hiện xanh hóa sản xuất, số hóa sản xuất. Nếu như các DN biết tận dụng những cơ hội này sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận được các nguồn vốn, hưởng được lợi ích lãi suất giá rẻ và các ưu đãi khác. Khi ấy, vòng xoay dòng tiền của DN cũng ổn định để phát triển”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cho rằng việc đầu tư vào công nghệ số hóa không hoàn toàn phục vụ mục đích lợi nhuận trước mắt, mà là cơ hội cho chặng đường phát triển công ty bền vững và lâu dài.
“Việc thực hiện chuyển đổi số là vấn đề hết sức cấp bách, tuy nhiên để các DN thực hiện được cũng không phải là dễ, bởi liên quan đến số hóa đòi hỏi phần tự động hóa, thiết bị máy móc và nền tảng phù hợp, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống mạng, nâng cấp hệ thống thông tin… Các DN đòi hỏi phải có đội ngũ nhân sự công nghệ cao đáp ứng các yêu cầu trên, nhưng hiện vẫn còn rất thiếu”, ông Thịnh chia sẻ.
Ở góc độ DN, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam nêu quan điểm, măc dù trong ngắn hạn, các yếu tố về sản xuất xanh không phải là yếu tố bắt buộc, chủ đạo để tạo nên sự khác biệt về thị phần. Nhưng trong tương lai, các thị trường lớn sẽ áp dụng các quy định, tiêu chí bắt buộc về việc cung ứng sản phẩm xanh, tuần hoàn trong lĩnh vực dệt may.
Do đó, việc DN chủ động nghiên cứu, lên kế hoạch đầu tư công nghệ, hạ tầng, nhân lực sẵn sàng cho việc chuyển dịch sang sản xuất xanh sẽ là một lợi thế trong trung và dài hạn.
Đại diện ngành dệt may cũng đề nghị Nhà nước xây dựng các nhóm giải pháp hỗ trợ DN một cách toàn diện như: gia hạn thời gian nộp thuế, tiền sử dụng đất; hạ lãi suất vay và điều kiện thực tế tiếp cận vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ cho DN; đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT.
Ngoài ra, đồng hành cùng DN trong khai thác, mở rộng quan hệ, thị trường và khách hàng mới thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, tận dụng các FTAs, ký kết các biên bản hợp tác; hỗ trợ thuế đối với DN xanh, gói tín dụng ưu đãi cho công trình sản xuất xanh…