Thua Hàn Quốc 0-6, bóng đá Việt Nam đang ở đâu?

Thể thao - Ngày đăng : 12:26, 18/10/2023

Hai đội tuyển Hàn Quốc và Việt Nam học được gì qua trận giao hữu tối 17.10?

Giả sử, các tuyển thủ Hàn Quốc học được cách xuyên phá hàng phòng thủ dày đặc của đối phương như HLV Jurgen Klinsmann đã nói trong họp báo trước và sau trận đấu, thì với các tuyển thủ Việt Nam, thậm chí là cả nền bóng đá Việt Nam (BĐVN) cũng như người hâm mộ BĐVN, cái được lớn nhất qua trận thua "toàn diện" này là biết được BĐVN đang ở đâu trên bản đồ thế giới. Từ đó, đừng quá hy vọng để rồi thất vọng.

Điểm sáng Nguyễn Hoàng Đức

Xuyên suốt trận đấu, duy nhất Nguyễn Hoàng Đức là đủ khả năng nhận bóng, giữ bóng, thoát khỏi lối đá áp sát của các cầu thủ Hàn Quốc để đưa bóng về phía trước rồi bắt đầu những đợt phản công.

Riêng hiệp 1, Hoàng Đức đã tạo ra 3 cơ hội có thể ghi bàn, tiếc thay, các đồng đội đều bỏ lỡ.

Phút thứ 22, từ pha phản công bên biên trái, Hoàng Đức có đường chuyền vừa đủ loại trung vệ đắt giá hàng đầu thế giới Kim Min Jae đang thi đấu cho Bayern Munich, bóng đến chân Hùng Dũng đi vào trung lộ. Trong tình huống đó, nếu Dũng chuyền qua bên phải cho hai đồng đội đã chờ sẵn mà không ai kèm thì có lẽ đội tuyển Việt Nam có cơ hội gỡ 1-1. Thế nhưng, Dũng đã quyết định sút và bóng bật chân hậu vệ Hàn Quốc đến vị trí của Tiến Anh. Chàng trai trấn giữ hành lang phải của đội Việt Nam lại sút quả bóng quá nhẹ.

Sau đó, từ pha tranh chấp trên không, cú đánh đầu trúng bóng sượt nhẹ qua bên phải của Hoàng Đức lại mở ra cơ hội cho Tiến Anh. Tiến Anh khéo léo chặn bóng rồi gạt bóng loại bỏ hậu vệ đối phương, thế nhưng, cú sút khi đối mặt với thủ môn Hàn Quốc của Tiến Anh lại ra ngoài.

Đến phút 30, cũng Hoàng Đức, chuyền bóng rất thoáng, rất vừa tầm cho Đình Bắc ngay chính giữa đầu khu vực cấm địa, thế mà Bắc – không người kèm - lại sút bóng lên trời từ cự ly 16m50, bỏ lỡi cơ hội rút ngắn tỷ số 1-2.

Bỏ qua tình huống chiếc thẻ đỏ oan cho trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh từ phút 60, hay tình huống phản công khá nguy hiểm của ĐTVN bị trọng tài hủy bỏ khi thổi Văn Toàn dù Toàn không việt vị, không thể phủ nhận Hoàng Đức là điểm sáng duy nhất của ĐTVN trong trận thua toàn diện này.

Bóng đá Việt Nam cần soi lại mình

BĐVN sau giai đoạn ngắn thăng hoa gắn liền với HLV Park Hang-seo khi về nhì giải U.23 châu Á 2018, bán kết ASIAD 2018, vô địch AFF Cup 2018, tứ kết Asian Cup 2019, huy chương vàng SEA Games 2019 là đã có dấu hiệu đi xuống. Rõ nhất là đội tuyển BĐVN đã bị lấy lại ngôi số 1 Đông Nam Á khi đội tuyển Thái Lan vô địch liên tiếp hai kỳ AFF Cup 2020 và 2022.

Ngay như có vào được vòng loại 3 World Cup 2022 khu vực châu Á thì ĐTVN cũng xếp cuối với 4 điểm sau 10 trận.

Vậy có phép màu nào để biến giấc mơ vào vòng chung kết World Cup 2026 thành hiện thực?

Chẳng có phép lạ nào cả khi V-League đi trước mà đã tụt lại phía sau so với Thai-League, chứ đừng so sánh với K-League, J-League.

Chẳng có phép lạ nào cả khi hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là hình tháp ngược – số đội hạng cao nhất nhiều hơn hạng dưới, hoàn toàn khác với hình kim tự tháp với chân đế rộng của thế giới – số đội hạng dưới luôn nhiều hơn so với hạng trên.

Chẳng có phép lạ nào cả khi bóng đá trẻ, học đường, cộng đồng của Việt Nam mong manh quá… và làm gì có sự kỳ diệu khi mà bóng đá ở Việt Nam hoàn toàn dựa vào tài chính của các doanh nghiệp. Do vậy, khi những ai nuôi đội bóng rơi vào khốn khó là đội đó sẽ giải thể hoặc sa sút không phanh.

Một nền bóng đá như thế mà đạt chỉ tiêu vào 1/16 Asian Cup 2023 và vào vòng loại 3 World Cup 2026 khu vực châu Á là hay lắm rồi!

BĐVN tiến 1, người ta đã tiến xa

Hàng loạt thống kê buồn sau trận thua 0-6 của ĐTVN trước Hàn Quốc, lần gần nhất thua Oman tại Incheon (Hàn Quốc) ngày 29.9.2003 và thua Zimbabwe tại Jakarta (Indonesia) ngày 26.2.1997.

Đây cũng là lần thứ 4, ĐTVN bị thủng lưới 6 bàn trong một trận đấu. Ngoài 3 trận kể trên là trận thua Trung Quốc 1-6 tại Hàng Châu (Trung Quốc) ngày 21.1.2009, ĐTVN có 4 trận thua 0-5, trong đó có 2 lần trước UAE (cùng năm 2007), một lần trước Ả Rập Saudi (12.2.2001) và một lần trước Hàn Quốc (25.9.2003, tại Incheon).

20 năm trước bóng đá Hàn Quốc chỉ có vài cầu thủ đá nước ngoài mà nổi tiếng nhất là Ahn Jung-hwan - cũng chỉ đá cho Perugia, CLB trung bình ở Serie A. Còn hiện tại, có quá nhiều cầu thủ Hàn Quốc đang thi đấu cho những CLB hàng đầu châu Âu cũng như thế giới.

Còn Việt Nam? Xuân Trường, Công Phượng và mới nhất là Văn Toàn không kiếm được suất đá chính ở đội hạng 2 Hàn Quốc. Cũng không có cầu thủ Việt Nam nào kiếm được suất chính thức ở một đội J-League cho dù có là thủ môn Đặng Văn Lâm hay Nguyễn Công Phượng.

Buồn hơn nữa khi 20 năm trước, V-League là miền đất hứa của các cầu thủ Thái Lan. Thế nhưng khi họ đến V-League, họ không chỉ dễ dàng có vị trí chính thức mà còn là những đầu tàu của các CLB VN. Thời hiện tại đã đảo chiều, Thai-League đã vượt xa V-League, các cầu thủ Việt Nam dù có là tuyển thủ quốc gia cũng chỉ có mỗi Đặng Văn Lâm nổi bật ở Thai-League. Lâm cũng chỉ duy trì được một mùa bóng, sau đó rơi xuống vị trí thủ môn số 2.

Còn Đoàn Văn Hậu được đánh giá là hậu vệ xuất sắc nhất BĐVN cũng thất bại khi qua Hà Lan thi đấu. Ngay như Nguyễn Quang Hải, tiền vệ tấn công tài hoa nhất BĐVN cũng không thể khẳng định được mình, cho dù đó chỉ là giải hạng 2 của Pháp.

Với thực lực như thế, cùng với hàng loạt cầu thủ tài năng chỉ mới từ 25 đến 28 tuổi mà đã đồng loạt sa sút phong độ và không biết có trở lại được thời đỉnh cao thì thử hỏi "đâu là sức mạnh thật của ĐTVN" và thật hão huyền khi chúng ta mong muốn ĐTVN có mặt ở VCK World Cup 2026?

Chúng ta hào hứng, vui mừng quá đà trước “thành tích đột biến” của các đội tuyển Việt Nam từ U.20, U.23, Olympic cho đến đội tuyển quốc gia trong giai đoạn 2018 - 2019 với cùng một thế hệ cầu thủ tài năng, mà đã không nhìn xung quanh: BĐVN tiến về trước 1 thì người đã bước quá xa rồi!

VFF và HLV Troussier mổ xẻ trước khi quá muộn

“Dự án 100” của HLV Troussier tập trung để không bỏ sót tài năng khi hướng về World Cup 2026 cũng như tương lai, đồng thời ưu tiên thử nghiệm tài năng trẻ đồng thời chuyển qua lối chơi kiểm soát bóng phù hợp với bóng đá hiện đại mà hiệu quả là hoàn toàn đúng.

Thế nhưng, các tài năng trẻ được ưu tiên trong “Dự án 100” là những ai? Có quá ít được chơi ở V-League mà trong đó, gần như không có ai khẳng định mình là cầu thủ trụ cột.

Câu lạc bộ HAGL vất vả trụ hạng ở V-League 2015 khi dùng toàn bộ các cầu thủ U.20 đình đám ở các giải trẻ trong nước cũng như là Đông Nam Á là bài học để ĐTVN 2023 phải nhìn lại cách chọn và dùng người của HLV Philippe Troussier.

7 tháng thử nghiệm với nhiều giải, từ giao hữu đến chính thức, từ thi đấu trên sân nhà cũng như là sân khách, và đặc biệt sau 3 trận thua giao hữu thua mới nhất trước Trung Quốc, Uzbekistan và Hàn Quốc cũng đủ để VFF và HLV Troussier ngồi lại "chẩn đoán" rồi tiến hành "giải phẫu" gấp khi chỉ còn không đến một tháng nữa là ĐTVN đã thi đấu vòng loại World Cup 2026.

Dù không mấy ai thất vọng khi ĐTVN thua nhưng nhiều người lo lắng về cách thể hiện, cách thua cùng cách vận hành trong cách chọn người và dùng người của ĐTVN. Một ĐTVN với nhiều chàng trai trẻ còn chưa có được suất chính thức thức ở V-League rõ ràng là không hợp lý. Một ĐTVN thi đấu với Hàn Quốc mà 7/10 cầu thủ trong 30 phút cuối là U.23 thì có nên hay không?

Tương lai là quan trọng. Nhưng hiện tại mà không tốt thì làm gì có tương lai!

Đặng Hoàng