Nokia sa thải 14.000 nhân viên sau khi doanh số bán hàng quý 3 giảm 1/5

Thế giới số - Ngày đăng : 15:21, 19/10/2023

Tập đoàn thiết bị viễn thông Nokia (Phần Lan) hôm 19.10 cho biết sẽ sa thải 14.000 nhân viên trong nỗ lực tiếp tục cắt giảm chi phí sau khi doanh số bán hàng quý 3/2023 giảm 1/5. Nguyên nhân chính do doanh số bán thiết bị 5G thế hệ mới của Nokia giảm.

Nokia và đối thủ Ericsson đã phải vật lộn với nhu cầu thiết bị 5G đang chậm lại ở các quốc gia như Mỹ, cố gắng bù đắp một số điểm yếu bằng doanh số bán hàng cao hơn sang Ấn Độ, thị trường có lợi nhuận thấp.

Nokia đang đặt mục tiêu tiết kiệm từ 800 triệu euro (842 triệu USD) đến 1,2 tỉ euro vào năm 2026, thời hạn mà hãng muốn đảm bảo rằng lợi nhuận hoạt động của họ tối thiểu là 14%.

Chương trình này dự kiến ​​sẽ dẫn đến một tổ chức có 72.000 đến 77.000 nhân viên, giảm so với 86.000 ngày nay, Nokia cho biết trong một tuyên bố.

Nokia hy vọng sẽ hành động nhanh chóng với chương trình này, với ít nhất 400 triệu euro được tiết kiệm trong năm vào 2024 và thêm 300 triệu euro vào năm 2025”, công ty Phần Lan chia sẻ.

Đã sa thải hàng ngàn nhân viên trong năm nay, Ericsson (Thụy Điển) cho biết sự bất ổn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ sẽ kéo dài đến năm 2024.

Pekka Lundmark, Giám đốc điều hành Ericsson, phát biểu: “Dù doanh thu thuần trong quý 3 của chúng tôi bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn đang diễn ra, Ericsson kỳ vọng sẽ thấy sự cải thiện theo mùa trong các hoạt động kinh doanh theo mạng lưới của chúng tôi trong quý 4”.

Doanh thu thuần là số tiền mà doanh nghiệp nhận được từ việc bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ sau khi khấu trừ các loại thuế và các khoản giảm trừ (như thuế xuất nhập khẩu, doanh thu bị trả lại, giảm giá bán hàng, chiết khấu thương mại...). Đây là một chỉ số quan trọng trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, thể hiện kết quả của việc tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trong một giai đoạn nhất định.

Doanh thu thuần quý 3/2023 của Ericsson đã giảm xuống 4,98 tỉ euro từ mức 6,24 tỉ euro cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức ước tính 5,67 tỉ euro theo cuộc thăm dò của LSEG (tập đoàn giao dịch chứng khoán London).

Nokia cho biết sẽ chuyển sang một trung tâm doanh nghiệp tinh gọn hơn để tập trung vào chiến lược mạnh mẽ hơn, đồng thời bảo vệ chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, trao quyền tự chủ hoạt động nhiều hơn cho các đơn vị kinh doanh.

Pekka Lundmark cho biết: “Việc thiết lập lại cơ sở chi phí là một bước cần thiết để điều chỉnh theo sự không chắc chắn của thị trường và đảm bảo khả năng sinh lời, cạnh tranh lâu dài của chúng tôi”.

Cơ sở chi phí là giá trị ban đầu của một tài sản cho các mục đích tính thuế, thường là giá mua, được điều chỉnh cho việc chia tách cổ phiếu, cổ tức và phân phối vốn hoàn vốn.

nokia-sa-thai-14.000-nhan-vien-sau-khi-doanh-so-quy-3-giam-15.jpg
Nokia hôm 19.10 cho biết sẽ cắt giảm tới 14.000 nhân viên trong nỗ lực tiếp tục giảm chi phí sau khi doanh số quý 3/2023 giảm 1/5 - Ảnh; Reuters

Trước Nokia, LinkedIn (thuộc sở hữu của Microsoft) đã thông báo sa thải gần 700 nhân viên, phần lớn đến từ bộ phận kỹ thuật, trang CNBC dẫn nguồn một bản thông báo nội bộ công ty. Ngoài ra, đội ngũ tài chính và nhân sự của LinkedIn cũng bị ảnh hưởng trong đợt cắt giảm lần này.

Thông báo cho biết: "Quyết định cắt giảm sẽ ảnh hưởng đến 563 ví trị tại bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển), trong đó 137 quản lý kỹ thuật và 38 nhân viên sản phẩm bị cắt giảm. Ngoài ra, 388 vị trí khác trong nhóm kỹ thuật cũng sẽ bị cắt giảm".

Động thái cắt giảm được đưa ra khi mạng xã hội về việc làm này chứng kiến ​​tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại trong 8 quý liên tiếp. Tháng 7, Microsoft cho biết LinkedIn chỉ tăng trưởng 5% doanh thu trong quý 2/2023, bất chấp số lượng người dùng tăng nhanh mỗi quý trong hai năm qua.

Công ty cần phát triển theo những gì chúng tôi ưu tiên để có thể thực hiện các sáng kiến ​​​​quan trọng mà ban lãnh đạo đã xác định sẽ có tác động to lớn đến việc đạt được các mục tiêu kinh doanh”, các lãnh đạo LinkedIn cho biết trong thông báo.

Điều này đồng nghĩa việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức nhằm cải thiện tính linh hoạt, thúc đẩy hiệu quả và tính minh bạch thông qua việc giảm phân cấp”, Giám đốc kỹ thuật LinkedIn - Mohak Shroff và Giám đốc sản phẩm LinkedIn - Tomer Cohen viết.

Tháng 1, Microsoft cho biết sẽ cắt giảm 10.000 nhân viên và bổ sung thêm những người khác vào tháng 7. Việc cắt giảm nhân viên diễn ra khi tốc độ tăng trưởng doanh thu chung của Microsoft sụt giảm, buộc Giám đốc điều hành Satya Nadella phải cắt giảm chi phí trên toàn công ty.

Dù vậy, LinkedIn đang tăng cường tuyển dụng ở Ấn Độ. Công ty cho biết: “Trong bối cảnh công ty đang điều chỉnh cơ cấu tổ chức và hợp lý hóa việc ra quyết định, chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư vào các ưu tiên chiến lược cho tương lai và để đảm bảo rằng LinkedIn tiếp tục mang lại giá trị cho các thành viên và khách hàng của mình”.

Ngoài ra, phía LinkedIn cam kết hỗ trợ đầy đủ cho tất cả nhân viên bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển đổi này, đảm bảo rằng họ được đối xử cẩn thận và tôn trọng.

Đầu tháng 5, LinkedIn đã đóng cửa ứng dụng InCareer từng ra mắt ở Trung Quốc chưa đầy hai năm trước đó. Động thái này chấm dứt hoạt động trên mạng xã hội còn lại của LinkedIn tại Trung Quốc khi cắt giảm hàng trăm việc làm toàn cầu.

Ryan Roslansky, Giám đốc điều hành LinkedIn, đã viết trong một bức thư đăng hôm 8.5 rằng công ty cắt giảm 716 việc làm trong các hoạt động toàn cầu của mình khi “cạnh tranh khốc liệt” và “tăng trưởng doanh thu chậm lại”.

Tại Trung Quốc, LinkedIn sa thải các nhóm sản phẩm và kỹ thuật của mình, đồng thời thu hẹp quy mô các bộ phận doanh nghiệp, bán hàng và tiếp thị, Ryan Roslansky cho biết trong bức thư.

LinkedIn sẽ duy trì các hoạt động về tìm kiếm nhân tài, tiếp thị và học tập để tập trung vào "hỗ trợ các công ty hoạt động tại Trung Quốc tuyển dụng, tiếp thị và đào tạo ở nước ngoài".

Bức thư không nêu rõ quy mô cắt giảm việc làm ở Trung Quốc của LinkedIn.

Trong bức thư riêng bằng tiếng Trung gửi cho khách hàng được đăng trên nền tảng mạng xã hội WeChat, LinkedIn cho biết InCareer, ứng dụng ở Trung Quốc của công ty, sẽ ngừng hoạt động từ ngày 9.8.2023.

LinkedIn đã ra mắt InCareer vào cuối năm 2021 dưới dạng một ứng dụng tìm việc theo cặp, không có nguồn cấp dữ liệu xã hội nên việc tuân thủ các quy tắc kiểm duyệt của Trung Quốc dễ dàng hơn. Hồi tháng 10.2021, Microsoft thông báo sẽ đóng cửa trang mạng xã hội LinkedIn ở Trung Quốc sau khi Bắc Kinh siết chặt kiểm soát các hãng công nghệ nước ngoài.

LinkedIn ra mắt tại Trung Quốc vào năm 2014, tồn tại tương đối lâu ở nước này so với nền tảng nước ngoài khác. Để hoạt động tại đây, LinkedIn đã kiểm duyệt nội dung được chính quyền Trung Quốc coi là nhạy cảm.

Sơn Vân