Công bố những bức ảnh chụp gần bề mặt mặt trời nhất
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:15, 17/07/2020
Tàu vũ trụ Solar Orbiter là dự án hợp tác chung của ESA và NASA được phóng từ mũi Canaveral, thuộc bang Florida của Mỹ hồi tháng 2. Nhiệm vụ chính của tàu là nghiên cứu nguồn gốc gió mặt trời, cũng như các hạt điện tích phát qua hệ mặt trời và ảnh hưởng đến các hành tinh, bao gồm trái đất.
Loạt ảnh cận cảnh mặt trời được chụp khi tàu Solar Orbiter bay gần ngôi sao ở khoảng cách 75,6 triệu km vào giữa tháng 6. Các nhà khoa học đã phát hiện ra những ngọn lửa mặt trời nhỏ mà họ đặt tên là “lửa trại” rải rác trên bề mặt của mặt trời. Những đốm "lửa trại" này nhỏ hơn một tỉ lần so với vệt lóa mặt trời quan sát được từ trái đất. Chúng có thể góp phần lý giải tại sao lớp ngoài cùng của khí quyển mặt trời lại nóng hơn bên trong.
Trong cuộc họp báo, ông Daniel Müller, nhà khoa học thuộc dự án Solar Orbiter của ESA cho biết: “Chúng tôi không mong đợi kết quả tuyệt vời như vậy đến sớm thế này. Những hình ảnh này chỉ là khởi đầu trong hành trình dài của Solar Orbiter”.
Tàu vũ trụ Solar Orbiter có tổng trị giá 1,5 tỉ USD đang tiếp tục hành trình về phía mặt trời. Con tàu mang theo 10 thiết bị, 6 trong số đó chuyên theo dõi bề mặt ngôi sao và 4 thiết bị còn lại đo môi trường xung quanh tàu với những hạt hạ nguyên tử, gió mặt trời và từ trường. Khi so sánh dữ liệu đo và ảnh chụp, các nhà khoa học có thể tìm hiểu những gì xảy ra trên bề mặt và xung quanh mặt trời cùng lúc, qua đó xác định điều gì làm phát sinh luồng tia plasma.
Hệ thống điều khiển cảm biến của Solar Orbiter sẽ được kích hoạt trong lần tiếp cận mặt trời đầu tiên, dự kiến diễn ra vào tháng 11.2021. Solar Orbiter sẽ phối hợp với tàu thăm dò mặt trời Paker Solar Probe (PSP) của NASA, được phóng lên vào không gian năm 2018. Nhiệm vụ của PSP sẽ tiếp tục trong khoảng 5 năm nữa và Solar Orbiter có sứ mệnh kéo dài ít nhất 9 năm.
Các nhà khoa học tin tưởng dự án này sẽ mở ra triển vọng giúp các nhà khoa học có biện pháp ứng phó với cơn bão mặt trời. Năm 1859, cơn bão mặt trời lớn nhất được ghi nhận đã đánh sập phần lớn mạng lưới điện báo của khu vực Nam Mỹ và khiến hiện tượng cực quang bao trùm trên bầu trời có thể được quan sát từ Caribe.
Long Hải (tổng hợp)