Nắm giữ nguồn đất đai 'khổng lồ' nhưng DNNN lộ hàng loạt bất cập trong quản lý

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 11:01, 20/10/2023

Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (TCTNN) được giao quản lý và sử dụng diện tích đất rất lớn. Tuy nhiên, các đơn vị này chưa tận dụng, phát huy hết lợi thế về nguồn lực này.

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa phát huy hết nguồn lực đất đai “khổng lồ” nắm giữ

Đánh giá về quản lý, sử dụng đất đai của các tập đoàn kinh tế, TCT Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 6 cho rằng có nhiều vi phạm, gây thất thoát tài chính công, tài sản công.

Một số cán bộ quản lý đã bị xử lý về các hành vi tham nhũng, lãng phí liên quan đến quá trình sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất, di dời nhà máy ra khỏi các đô thị lớn, chuyển mục đích sử dụng đất, cổ phần hóa…

Nhiều DN đã và đang quản lý, sử dụng đất hàng chục năm nay nhưng không có đầy đủ hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc đất. Thậm chí, có TCTNN có 87,7% diện tích đất đang sử dụng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê đất.

Một số DN nhận chuyển nhượng đất từ cá nhân, DN khác không đúng quy định của pháp luật, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất trồng lúa khi chưa có văn bản cho phép; nhận hợp tác kinh doanh bằng quyền sử dụng đất trả tiền hằng năm của các DN khác không đúng pháp luật về đất đai.

dnnn-1.jpeg
Tình trạng vi phạm quy định của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất đai, gây thất thoát xảy ra ở nhiều DN - Ảnh minh hoạ

Nhiều tập đoàn, TCTNN có số lượng diện tích đất lớn, đất bị lấn chiếm, tranh chấp nhưng không được xử lý dứt điểm; tình trạng để hoang hóa, chậm đưa đất vào khai thác sử dụng và thực hiện dự án, lãng phí nguồn lực đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích theo hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn diễn ra phức tạp…

Di dời nhưng không trả đất cho Nhà nước

Theo KTNN, hầu hết các tập đoàn, TCTNN chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31.12.2017 của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Nhiều DN có các diện tích đất không còn nhu cầu sử dụng hoặc thuộc diện phải di dời nhưng không trả lại đất cho Nhà nước mà tiếp tục thực hiện cho thuê lại đất, liên doanh, hợp tác đầu tư không đúng mục đích sử dụng đất.

Một số DN lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chuyển nhượng đất thuê của Nhà nước dưới hình thức góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước, sau đó thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp.

Hoạt động này cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong việc xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn của doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các địa phương… đã tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân liên quan trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

dnnn-3.jpeg
Xảy ra trục lợi, thất thoát tài sản Nhà nước

Cơ quan kiểm toán cũng cho rằng, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai với ngân sách Nhà nước tại một số DN cũng có nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc do chưa được cơ quan thuế quản lý thu, xác định đơn giá cho thuê đất; nhiều diện tích hết thời hạn ổn định đơn giá thuê đất 5 năm nhưng chưa được các cơ quan chức năng của địa phương thông báo đơn giá đất hiện hành để kê khai, xác định đầy đủ số tiền thuê đất, thuế đất phi nông nghiệp.

Nhiều tồn tại trong công tác cổ phần hóa

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy nhiều tồn tại trong công tác cổ phần hóa. Theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16.11.2017 của Chính phủ thì các DN thuộc diện cổ phần hóa phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập và hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất.

Trong thời hạn quy định, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có ý kiến chính thức đối với toàn bộ diện tích đất DN sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa và giá đất cụ thể quy định của pháp luật về đất đai.

Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình UBND tỉnh, thành phố có ý kiến trả lời về phương án sử dụng đất và giá đất thường chậm, dẫn đến thời gian thực hiện cổ phần hóa kéo dài.

Đây cũng là lý do chủ yếu dẫn đến việc cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại DN từ năm 2018 cho đến nay gần như không thực hiện được.

dnnn-2.png
Nhiều bất cập trong công tác cổ phần hoá

Một tồn tại tiếp theo là việc xác định giá đất cụ thể đối với diện tích đất được giao còn gặp khó khăn do các quy định về tính toán giá đất chưa nhất quán, chưa rõ ràng. Điều này dẫn tới vừa có nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước, đồng thời làm cho cơ quan chức năng có tâm lý e ngại, sợ sai khi phê duyệt, sợ phải chịu trách nhiệm khi bị các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Ngoài ra, một số DN chưa thống nhất được phương án sử dụng đất với địa phương trước khi cổ phần hóa, đặc biệt là đối với các DN có số lượng nhà, đất lớn, nằm trên địa bàn nhiều địa phương, lịch sử pháp lý đất đai phức tạp, tiến độ trên thực tế thường bị chậm ở ngay khâu thống kê, đo đạc địa chính…

Thêm nữa, pháp luật đất đai quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, song chưa quy định chặt chẽ. Theo đó, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất, đồng thời việc quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể.

Vấn đề này cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong việc xác định giá đất không sát giá thị trường là kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát ngân sách Nhà nước khi chuyển quyền sử dụng đất từ DNNN sang tư nhân thông qua cổ phần hóa, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất mà không phải đấu giá.

Kiểm toán cũng cho rằng pháp luật chưa có quy định, hướng dẫn về việc giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước khi xác định giá trị DN cổ phần hóa. Trong khi đó, quyền thuê đất của Nhà nước có giá trị lợi thế, đặc biệt là đối với những DN có quỹ đất lớn, tại các vị trí đắc địa, có lợi thế kinh doanh, phát triển dự án bất động sản…

Mặc dù, các DN không có quyền chuyển nhượng đất nhưng vẫn có quyền lựa chọn hình thức liên doanh, hợp tác đầu tư thông qua góp vốn giá trị lợi thế quyền thuê đất. Vì vậy, cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể để khắc phục bất cập này, tránh tạo kẽ hở để có thể lợi dụng gây thất thoát vốn nhà nước khi cổ phần hóa, thoái vốn.

Lam Thanh