Lý do Ai Cập và các nước Ả Rập không chịu tiếp nhận người tị nạn Palestine

Quốc tế - Ngày đăng : 11:51, 20/10/2023

Hãng AP chỉ ra lý do khiến Ai Cập và các nước Ả Rập không chịu tiếp nhận người Palestine chạy trốn khỏi xung đột hiện tại.

Thời gian qua Dải Gaza chìm trong căng thẳng khi Israel đáp trả cuộc tấn công ngày 7.10 của lực lượng Hamas bằng hàng loạt đợt không kích, bao vây hoàn toàn khu vực và cắt nguồn cung điện, lương thực, nhiên liệu khiến 2 triệu cư dân ở vùng lãnh thổ này rơi vào thảm cảnh. Nhiều người cố gắng sơ tán nhưng hai quốc gia láng giềng là Ai Cập và Jordan đều từ chối.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi ngày 18.10 đưa ra nhận xét cứng rắn: “Cuộc chiến hiện tại không chỉ nhằm chống lại Hamas (lực lượng đang nắm quyền kiểm soát Dải Gaza) mà còn là nỗ lực thúc đẩy dân thường di cư sang Ai Cập”. Ông cảnh báo điều này có thể phá hoại hòa bình trong khu vực.

Quốc vương Jordan Abdullah II - một ngày trước đó đưa ra thông điệp tương tự: “Không có người tị nạn ở Jordan, không có người tị nạn ở Ai Cập”.

Lập trường của Ai Cập cùng Jordan bắt nguồn từ lo ngại Israel muốn trục xuất vĩnh viễn người Palestine sang nước họ, khiến yêu cầu thành lập quốc gia Palestine độc lập trở nên vô nghĩa. Tổng thống el-Sissi còn cho biết, một làn sóng di cư đem đến nguy cơ thành viên các nhóm vũ trang xâm nhập bán đảo Sinai (Ai Cập) rồi dùng đây làm bàn đạp tấn công Israel, đe dọa Hiệp ước hòa bình 40 năm giữa hai nước.

viai.jpg
Người Palestine đổ về cửa khẩu Rafah - Ảnh: AP

Lịch sử quá trình di cư

Di cư là chủ đề nổi bật trong lịch sử của người Palestine. Trong cuộc chiến năm 1948 vì nhà nước Israel thành lập, khoảng 700.000 người Palestine đã bị trục xuất hoặc sơ tán khỏi vùng lãnh thổ mà ngày nay là Israel. Đến chiến tranh Trung Đông 1967, có thêm 300.000 người Palestine ra đi (hầu hết sang Jordan).

Số người tị nạn và các thế hệ con cháu của họ hiện lên đến gần 6 triệu người, đa số sống tại Bờ Tây, Dải Gaza, Lebanon, Syria, Jordan. Thậm chí họ còn xây dựng cuộc sống mới ở các nước Ả Rập vùng Vịnh hoặc phương Tây.

Sau khi cuộc chiến năm 1948 kết thúc, Israel từ chối cho người tị nạn hồi hương với lý do làm vậy đe dọa cộng đồng Do Thái chiếm đa số ở nước này.

Hiện tại, Ai Cập lo ngại lịch sử lặp lại. Một lượng lớn người tị nạn Palestine từ Dải Gaza sẽ ở lại vĩnh viễn.

Chẳng có gì đảm bảo

Chưa rõ xung đột hiện tại sẽ kết thúc như thế nào. Israel tỏ rõ quyết tâm tiêu diệt Hamas, nhưng không cho biết sau đó như thế nào và ai sẽ kiểm soát Dải Gaza – làm dấy lên lo ngại nước này sẽ lại tái chiếm Gaza.

Quân đội Israel tuyên bố những người Palestine tuân theo lệnh sơ tán khỏi miền Bắc Dải Gaza có thể được phép trở về nhà sau khi xung đột kết thúc. Tuy nhiên, Tổng thống el-Sissi không loại trừ khả năng giao tranh sẽ kéo dài nhiều năm nếu Israel cho rằng Hamas chưa bị quét sạch, ông đề xuất Israel giữ người Palestine tại sa mạc Negev giáp ranh Dải Gaza cho đến lúc hoàn thành chiến dịch quân sự.

Theo nhà phân tích Riccardo Fabiani (Tổ chức Crisis Group International): “Vấn đề nằm ở sự thiếu rõ ràng của Israe về ý định với Dải Gaza cũng như ở động thái sơ tán người dân. Tình trạng mơ hồ khiến các quốc gia lân cận lo ngại”.

Các nước Ả Rập cùng nhiều người Palestine cũng nghi ngờ Israel nhân xung đột thay đổi tình trạng nhân khẩu học vĩnh viễn, phá hoại yêu cầu thành lập quốc gia Palestine độc lập.

Học giả H.A. Hellyer (Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie) cho biết: “Tiền lệ lịch sử chỉ ra mỗi khi bị buộc rời khỏi lãnh thổ Palestine thì người Palestine đều không được phép quay lại. Ai Cập không muốn đồng lõa hành vi thanh lọc sắc tộc ở Dải Gaza”.

Lo ngại Hamas

Một lý do nữa khiến Tổng thống el-Sissi quyết không tiếp nhận người tị nạn là nguy cơ các chiến binh Hamas hoặc các nhóm vũ trang khác xâm nhập gây bất ổn ở bán đảo Sinai - nơi quân đội Ai Cập vất vả chống phiến quân Hồi giáo suốt nhiều năm.

Ai Cập ủng hộ Israel phong tỏa Dải Gaza kể từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát từ năm 2007. Họ cũng kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân, đồng thời phá hủy mạng dưới đường hầm mà Hamas cùng nhiều người Palestine khác sử dụng để buôn lậu.

Theo ông Fabiani, dù tình hình Sinai đã ổn định nhưng Ai Cập không muốn gặp phải một vấn đề an ninh mới ở bán đảo đầy vấn đề này.

Cẩm Bình