Vụ ngộ độc sau khi uống sữa ở Tiền Giang: Bác sĩ nghi bệnh nhân ngộ độc Cyanua
Thông tin Y học - Ngày đăng : 14:46, 20/10/2023
Sau 3 đợt lọc máu bệnh nhân đã tỉnh
Liên quan đến vụ 3 người trong một gia đình ở tỉnh Tiền Giang bị ngộ độc sau khi uống sữa, ngày 20.10, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân P.M.T. (55 tuổi, ngụ Cái Bè, Tiền Giang) đang điều trị tại đây đã hoàn toàn khỏe mạnh, các chỉ số sinh hiệu đều trở lại bình thường, không còn chất độc trong cơ thể.
“Hiện bệnh nhân đã tỉnh hoàn toàn, tất cả xét nghiệm chức năng của bệnh nhân gần như bình thường (vì bệnh nhân này bị xơ gan nên có một số xét nghiệm không trở về bình thường). Đối với vấn đề ngộ độc, bệnh nhân đã được loại bỏ tất cả các chất độc ra khỏi cơ thể. Sáng 20.10, bệnh nhân có thể xuất viện được, sinh hoạt hoàn toàn bình thường”, bác sĩ Hùng thông tin.
Theo bác sĩ Hùng, bệnh nhân P.M.T. chuyển vào khoa Cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy khoảng 18 giờ ngày 15.10, đến 22 giờ cùng ngày bệnh nhân chuyển đến Khoa Bệnh nhiệt đới.
“Lúc này bệnh nhân hôn mê sâu, mức độ 3, phải thở máy, huyết động không ổn định, mạch rất nhanh. Các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân đang bị đe dọa, khả năng tử vong rất cao”, bác sĩ Hùng cho biết.
Trước tình hình trên, ngày 16.10, các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa (gồm: Tim mạch, Nội tiêu hóa, Nội hô hấp, Huyết học, ICU, Sinh hóa, Vi sinh…) và chẩn đoán bệnh nhận bị ngộ độc cấp chưa xác định tác nhân.
Các bác sĩ đã đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân rất nghiêm trọng, trên bệnh lý nền là xơ gan và cao huyết áp. Điều này khiến việc điều trị khó khăn và tiên lượng tử vong cao.
Sau khi thống nhất phương pháp điều trị để đào thải độc chất nhằm ổn định các biến chứng tim mạch suy thận, tổn thương gan, viêm phổi… Bệnh viện tập trung hết khả năng tiến hành hô hấp nhân tạo, thở máy, truyền dịch, ổn định huyết áp và đặc biệt là tiến hành lọc máu. “Chúng tôi sử dụng phương pháp lọc kết hợp cùng 2 loại để điều trị cho bệnh nhân với mục tiêu lấy độc chất ra và lấy các chất độc trong quá trình chuyển hóa. Sau đó, tình trạng bệnh nhân cải thiện từng giờ”, bác sĩ Hùng cho biết.
Theo bác sĩ Hùng, sau 10 giờ nhập viện, bệnh nhân đã có cải thiện tri giác. Các thuốc vận mạch, thuốc sử dụng để ổn định sinh hiệu dần dần giảm, tình trạng bệnh nhân dần ổn trở lại và có hy vọng; sau 24 giờ, khi kết thúc màng lọc thứ 2, bệnh nhân có tỉnh, tự thở được, sinh hiệu hoàn toàn ổn định; sau 36 giờ, kết thúc đợt lọc máy thứ 3, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo.
Đến ngày 18.10, nghĩa là sau 48 giờ nhập viện, bệnh viện ngưng lọc máu, cai máy thở, rút nội khí quản để bệnh nhân có thể tự thở.
Khả năng cao bệnh nhân bị ngộ độc Cyanua
Quá trình tìm hiểu cho thấy, bệnh nhân T. đang trong tình trạng sức khỏe bình thường nhưng sau khi uống sữa bột thì tình trạng sức khỏe chuyển biến xấu rất nhanh, hôn mê, suy hô hấp, tổn thương đa tạng.
Từ phân tích tình trạng sức khỏe của bệnh nhân T. cùng người mẹ và em ruột (đã tử vong) sau khi cùng uống 1 loại sữa, các bác sĩ đặt câu hỏi, độc chất gì khiến bệnh nhân có những triệu chứng trên và rơi vào tình trạng nguy kịch nhanh như vậy.
Theo bác sĩ Hùng, các bệnh nhân này sau khi tiếp xúc với sữa chỉ khoảng 30 phút đã rơi vào tình trạng nguy hiểm. Từ đó, các bác sĩ đưa ra những suy luận rằng, độc chất này có mức độc rất cao, không mùi, không vị (khi ở trong sữa người dùng không phát hiện bất thường); độc chất này có thể tìm trên thị trường hay do một vi sinh vật nào đó ở trong sữa tạo ra.
“Chúng tôi đã đặt ra một số độc chất mà bệnh nhân có thể uống vào gồm: Cyanua, organophosphate/carbamate, asen, strychnin, botulinum. Trong đó, chúng tôi nghi ngờ nhất chính là Cyanua, kế đến là organophosphate/carbamate, asen, strychnin, botulinum. Đây là những chất cực độc có thể gây chết người ngay sau khi tiếp xúc. Bản chất của những chất này có nhiều dạng khác nhau, nhưng có dạng chung là bột trắng, không màu, không mùi, không vị”, bác sĩ Hùng cho biết.
Tất cả các mẫu bệnh phẩm như: dịch dạ dày, phân, máu đã được lấy để xét nghiệm tìm độc chất. “Đến thời điểm này đã kết quả xét nghiệm âm tính, không tìm ra độc chất. Điều này có thể do độc chất đã bị đào thải hoặc còn rất thấp, xét nghiệm không phát hiện được”, bác sĩ Hùng nói.
Trước đó, khoảng 6 giờ ngày 14.10, bà P.T. P. (83 tuổi, ngụ huyện Cái Bè, Tiền Giang) thức dậy phát hiện con ruột là ông P.V. Y. (45 tuổi) tử vong. Nghĩ ông Y. chết do bệnh lý nên gia đình tổ chức đám tang, không trình báo cơ quan chức năng.
Đến 22 giờ cùng ngày, bà P. cũng uống loại sữa trên và bất ngờ tức ngực, khó thở, tử vong tại nhà. Đến rạng sáng ngày 15.10, ông P.M.T. (55 tuổi, con ruột bà P.) trong lúc phụ đám tang hai người thân đã tiếp tục uống loại sữa trên và có biểu hiện ngộ độc. Ông T. được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương, sau đó chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch.