Từ tranh cãi phim ‘Đất rừng phương Nam’ nhìn về cải lương sử Việt

Văn hóa - Ngày đăng : 17:05, 21/10/2023

Bộ phim "Đất rừng phương Nam" của đạo diễn Quang Dũng và nhà đầu tư Trấn Thành nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng và tạo nên một cuộc tranh cãi quyết liệt về yếu tố văn hóa, lịch sử. Sự kiện này cũng khiến nhiều người liên tưởng đến sự khắt khe, cẩn trọng của cải lương sử Việt.

Thách thức và kiên trì

Nguyên do gây tranh cãi trước tiên của phim Đất rừng phương Nam là các nhân vật Bác Ba Phi, Út lục lâm, bé An là người Việt nhưng mặc trang phục người Hoa. Chi tiết này được so sánh với bản cũ phim truyền hình Đất phương Nam của đạo diễn Vinh Sơn và ngay cả thực tế cuộc sống.

Tiếp nữa, xét về mặt lịch sử thì Nghĩa Hòa Đoàn và Thiên Địa Hội không đóng vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp của người dân tại vùng Cà Mau như phim thể hiện. Có người lý giải rằng biên kịch lấy chất liệu từ tổ chức Thiên Địa Hội của ông Phan Xích Long. Thực tế, Thiên Địa Hội do ông Phan Xích Long lãnh đạo hoạt động tại vùng Chợ Lớn và phong trào này đã tan rã năm 1916. Nghĩa Hòa Đoàn tan rã tại Trung Quốc năm 1901. Còn với phim Đất rừng phương Nam thì đạo diễn Quang Dũng xác định thời gian diễn ra sự kiện là năm 1922.

anh-man-hinh-2023-10-21-luc-16.05.44.png
Phim "Đất rừng phương Nam" trở thành đề tài gây tranh cãi trong thời gian gần đây

Liên quan đến những tranh cãi về nội dung lời thoại, trang phục trong phim, Hội đồng thẩm định phim của Cục Điện ảnh cùng một số cơ quan chức năng liên quan đã tiến hành thẩm định lại bộ phim Đất rừng phương Nam theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VH-TT-DL. Sau đó, phía cục cũng đã mời các nhà sản xuất của đoàn phim đến để đối thoại, trao đổi một số nội dung cần điều chỉnh.

Sau các buổi làm việc, phía đoàn phim đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa phim. Theo đó, ê kíp sẽ chỉnh lại một số câu thoại trong phim liên quan các hội nhóm của nước ngoài. Cụ thể, các tên gọi Nghĩa Hòa Đoàn và Thiên Địa Hội sẽ lần lượt được sửa thành Nam Hòa Đoàn và Chính Nghĩa Hội.

Động thái này gây chú ý đối với các biên kịch chuyên viết về mảng lịch sử, trong đó có các soạn giả cải lương tuồng sử Việt.

Soạn giả Hoàng Song Việt chia sẻ: “Trong tất cả các thể loại, viết kịch bản cải lương sử Việt là thách thức nhất, bởi vì nó đòi hỏi trước tiên là tính chính xác. Trước khi viết kịch bản, chúng tôi phải làm công việc gọi là truy tìm tài liệu lịch sử. Thời chưa có internet, để viết về một nhân vật trong tuồng thì tôi phải đến 4, 5 thư viện để mày mò cả tháng mới đủ tư liệu cần thiết. Trong mỗi tuồng cải lương ngoài nhân vật chính thì còn có 4, 5 nhân vật phụ. Tôi phải đem các tư liệu về đọc, nghiền ngẫm để chọn ra những tình tiết cần thiết”.

“Sau khi xong phần tiểu sử nhân vật, chúng tôi bắt đầu dựng câu chuyện và lời ca. Do bài bản cải lương rất phong phú nên có nghệ sĩ hát được điệu này nhưng lại không hát được điệu kia. Thế là chúng tôi phải đặt nhạc, lời làm sao cho phù hợp với tố chất của họ. Xong phần kịch bản thì tới phần đạo diễn. Tới đây, đạo diễn phải nghiên cứu kỹ tạo hình nhân vật, trang phục, vũ khí, cảnh trí... Tất cả đều phải được thực hiện tỉ mỉ để tránh sai sót. Chuẩn bị xong rồi thì sẽ diễn báo cáo cho hội đồng nghệ thuật của đoàn xem trước. Dù khâu chuẩn bị kỹ vậy nhưng vẫn có sạn và buộc phải chỉnh sửa. Thậm chí, có những vở tuồng phải sửa đi sửa lại đến 4, 5 lần; có tuồng phải ngưng diễn.

Bạn biết không, để hoàn thành một kịch bản cải lương tuồng sử thường chúng tôi phải mất ít nhất 6 tháng và thêm chừng 6 tháng nữa cho việc dàn dựng. Tuồng nào mà không được diễn, chúng tôi buồn đến rã rời vì cảm giác xây lâu đài trên cát. Vậy mà vẫn mê và tiếp tục chiến đấu”, ông Hoàng Song Việt cho biết.

394481551_327121530013038_7666380956899024127_n.jpg
Một cảnh trong "Chân dung người đi mở cõi"

Vì kịch bản lịch sử quá thách thức và nhiêu khê nên rất ít soạn giả dám dấn thân. Ấy vậy mà nhiều soạn giả trung niên vẫn còn bám trụ để duy trì cho thế hệ trẻ tiếp nối. Phạm Văn Đằng là một người trẻ hiếm hoi đang cháy hết mình với cải lương tuồng sử. Soạn giả trẻ này là người duy nhất nhận được giải thưởng dành cho tác giả tại cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2022.

Đến nay, Đằng đã có 4 tuồng sử được Nhà hát Trần Hữu Trang dàn dựng và công diễn. Trong đó, kịch bản Chân dung người đi mở cõi kể về hành trình thực hiện sứ mệnh mở rộng lãnh thổ của danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh được đánh giá rất cao về tính chính sử và chất lượng nghệ thuật.

Nghèo vẫn đam mê

Hiện tại, Phạm Văn Đằng đã hoàn thành kịch bản có tên gọi là Gia Định Thành kể về tướng Võ Duy Ninh, một người hùng kháng Pháp thời Nguyễn tại Gia Định. Theo Đằng, kịch bản này được chuẩn bị ròng rã suốt 6 tháng cho phần thu thập tư liệu và phần viết tuồng mất thêm 6 tháng nữa. Sau đó, Đằng đã lặn lội ra tận làng Đại An, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi để gặp hậu duệ của tướng Võ Duy Ninh nhờ thẩm định, và được xác nhận chính xác về sử liệu cũng như cuộc đời của ông. Từ đây, kịch bản mới được chuyển về Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang để tiếp tục được thẩm định lại lần nữa. Được biết, năm 2024 vở sẽ được duyệt để lên sàn và công diễn.

Quá trình thai nghén và hoàn thành một kịch bản cải lương lịch sử là vô cùng gian nan. Thế nhưng do cải lương đang gặp khó khăn nên tiền nhuận bút cho soạn giả rất thấp. Hiện nay có hai cách tính tiền công cho soạn giả cải lương. Một là trả một lần trọn gói từ 80 đến 100 triệu cho một kịch bản. Tính ra suốt 1 năm đi tìm tài liệu và viết, vị chi mỗi tháng soạn giả nhận được khoảng 8 - 10 triệu đồng, bao gồm cả tiền xăng xe, ăn uống, tìm tài liệu. Xem như số tiền đó chỉ gói ghém đủ trong chi phí đầu tư kịch bản, không hề dư dả. Hai là đoàn diễn suất nào sẽ trả cho tác giả 8 triệu một suất. Thông thường một tuồng cải lương hiện nay chỉ diễn tối đa là 4 suất cho một năm, hiếm khi được 5 suất. Vậy là suốt một năm ròng rã làm việc cặm cụi, soạn giả chỉ nhận được khoảng 32 triệu đồng, thấp hơn hình thức trả trọn gói.

393969113_143659682166971_7674767140167570907_n.jpg
Poster "Chân dung người mở cõi" của Phạm Văn Đằng chuyển thể từ kịch sang cải lương

Chính vì vậy, hiện nay các soạn giả cải lương chuyên nghiệp còn tiếp tục bám trụ không chủ động viết tuồng sử Việt mà chờ đợi đặt hàng từ đoàn hát. Khi được đặt hàng như vậy, họ sẽ nhận được tiền nhuận bút trọn gói chứ không trả theo hình thức từng suất diễn. Thêm nữa, tuồng sử Việt không được các đoàn ưu tiên dựng như kiếm hiệp, thần thoại... nên nếu chủ động viết suốt một năm rồi cất đó để chờ, lỡ như không có người mua, soạn giả hoàn toàn không có thu nhập gì. Thay vào đó, họ sẽ tập trung viết thể loại hương xa Hồ Quảng hoặc viết trích đoạn, bài ca lẻ vừa đơn giản vừa dễ kiếm tiền.

Nếu so với biên kịch phim ảnh, gameshow và kể cả kịch nói, soạn giả cải lương rất nhọc công và thiếu thốn. Dù vậy, nguyên tắc đầu tiên của họ là tính chính xác. Theo soạn giả Hoàng Song Việt, trước khi viết hay phải viết đúng và đặc biệt là phải biết chỗ nào có thể sáng tạo, được hư cấu và chỗ nào phải tôn trọng nguyên bản lịch sử. Đó cũng là một kỹ năng và là ý thức quan trọng đươc tích lũy theo thời gian.

Nguyễn Huy