Dải Gaza bị tàn phá nặng nề
Quốc tế - Ngày đăng : 14:32, 22/10/2023
Đây là đợt oanh tạc Dải Gaza dữ dội nhất của Israel, sau đó sẽ có một chiến dịch tấn công trên bộ nữa. Reuters dẫn lời 3 nguồn tin quan chức tiết lộ trước mắt Israel muốn phá hủy cơ sở hạ tầng Gaza lẫn mạng lưới đường hầm mà Hamas dày công xây dựng suốt nhiều năm qua.
Gaza là một trong những khu vực có mật độ dân số cao nhất thế giới với hơn 2 triệu người sống trên diện tích khoảng 365km2. Hoạt động oanh tạc hiện tại chủ yếu tập trung ở thành phố Gaza - đô thị lớn nhất của vùng này.
Theo phân tích dựa trên ảnh vệ tinh thực hiện bởi công ty Masae Analytics, hai trại tị nạn al-Shati và Jabalia đã chịu thiệt hại cùng thương vong nặng nề do các cuộc không kích của Israel cả bên trong lẫn xung quanh thành phố Gaza. Đội ngũ bác sĩ phải vất vả điều trị cho số bệnh nhân ngày càng tăng, bệnh viện giờ đây quá tải mà lại thiếu vật tư y tế do Israel phong tỏa khu vực. Vài bệnh viện bị hư hại trong các cuộc không kích, ít nhất một bệnh viện nhận yêu cầu sơ tán trực tiếp. Nhà xác và nghĩa trang đều hết chỗ.
Ngày 15.10, phát ngôn viên cơ quan y tế Gaza cho biết đã có 44 nhân viên y tế thiệt mạng, 4 bệnh viện không hoạt động, 14 dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản tạm ngừng.
Reuters ghi nhận các địa điểm tôn giáo cũng bị hư hại bởi không kích. Ảnh chụp bằng máy bay không người lái cho thấy sau đợt không kích ngày 11.10, xung quanh đền thờ Hồi giáo al-Garbi chịu sự tàn phá lớn.
Rạng sáng 13.10, quân đội Israel khuyến nghị cư dân miền Bắc Gaza sơ tán về miền Nam trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên đường sá nay chẳng còn nguyên vẹn khiến nỗ lực sơ tán vô cùng khó khăn. Lực lượng Hamas cùng một số đền thờ Hồi giáo lại kêu gọi mọi người không rời đi, vài gia đình cảm thấy các cuộc không kích quá nguy hiểm nên quay trở lại nhà của mình ở miền Bắc.
Miền Nam cũng chẳng an toàn. Ít nhất 6 người đã thiệt mạng khi trại tị nạn al-Maghazi bị không kích. Liên Hợp Quốc xác định Khan Younis cùng vài khu vực khác ở miền Nam cũng hứng chịu oanh tạc.
“Những người tuân theo khuyến nghị sơ tán đang bị mắc kẹt ở miền Nam Dải Gaza với rất ít nơi trú ẩn, nguồn cung thực phẩm cạn kiệt nhanh chóng, gần như không được tiếp cận nước sạch, vệ sinh, thuốc men và hàng loạt nhu cầu cơ bản khác”, theo phát ngôn viên văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc Ravina Shamdasani.
Cửa khẩu Rafah giữa Dải Gaza với Ai Cập trở thành lối thoát duy nhất không dẫn đến lãnh thổ Israel, cũng là tuyến đường khả thi để viện trợ quốc tế đi vào. Ai Cập cố gắng cho viện trợ nhân đạo thông quan, nhưng hiện công tác chuyển hàng chưa thể triển khai.
Người mang hộ chiếu nước ngoài đi đến cửa khẩu Rafah với hy vọng được ra ngoài, Ngoại trưởng Ai Cập tuyên bố công dân nước ngoài có thể qua biên giới và Cairo sẽ giúp họ về nước. Tuy nhiên giống như các quốc gia Ả Rập khác, Ai Cập đề nghị người Palestine nên ở lại, phản đối hành động ép buộc người Palestine di cư sang bán đảo Sinai.