Huyền thoại Liverpool từng khuyên Sir Jim Ratcliffe không mua CLB bóng đá trước khi ra giá cho MU

Thể thao - Ngày đăng : 21:25, 22/10/2023

Graeme Souness, cựu tiền vệ huyền thoại của Liverpool, khuyên Sir Jim Ratcliffe đừng mua một CLB bóng đá nhưng tỷ phú này đã phớt lờ điều đó.

Sắp mua được 25% cổ phần trong Manchester United, tỷ phú 71 tuổi đã quyết định không nghe theo lời khuyên từ Graeme Souness khi họ gặp nhau 4 năm trước.

Graeme Souness khẳng định Sir Jim Ratcliffe đã hỏi liệu ông có nên mua một CLB bóng đá hay không và cựu chuyên gia Sky Sports cố gắng hết sức để tuyết phục tỷ phú giàu bậc nhất nước Anh nản lòng.

Ông ấy hỏi tôi liệu việc mua một CLB có phải là một ý tưởng hay không. Vào thời điểm đó, ông ấy không xuất hiện trên báo chí hàng ngày. Tôi đã nói với Sir Jim Ratcliffe rằng ông có muốn qua một đêm sẽ trở thành cái tên quen thuộc trong mọi gia đình và hỏi liệu có muốn điều đó không. Sir Jim Ratcliffe nói ‘không’. Tôi nói: Vậy thì đừng mua CLB bóng đá!”, cựu tiền vệ người Scotland viết trên Daily Mail.

Vài tháng sau, tập đoàn hóa dầu INEOS của Sir Jim Ratcliffe mua lại CLB Nice ở Ligue 1. Vào năm 2022, Sir Jim Ratcliffe đã cố gắng mua Chelsea sau sự ra đi đột ngột của Roman Abramovich.

Graeme Souness nói thêm rằng ông bị thu hút bởi vẻ bí ẩn của Sir Jim Ratcliffe, dù thừa nhận rằng không đặc biệt ấn tượng với cách ông ta quản lý Nice.

Huyền thoại Liverpool viết: "Tôi không chắc Nice đã tiến bộ dưới sự quản lý của Sir Jim Ratcliffe, nhưng kinh nghiệm sẽ giúp ích rất nhiều cho ông. Ông ấy rất ấn tượng, một người ít nói".

Việc Sir Jim Ratcliffe trả giá 1,4 tỉ bảng cho khoảng 25% cổ phần Manchester United sẽ không mang lại cho ông toàn quyền kiểm soát CLB. Thế nhưng, Sir Jim Ratcliffe đã yêu cầu nhà Glazers cho phép ông quản lý tất cả các hoạt động bóng đá trong tương lai.

Trong cuộc gặp với các quan chức MU vào tháng 3, Sir Jim Ratcliffe được cho đã chỉ trích chính sách tuyển dụng của CLB và đưa các kế hoạch chi tiết để cải thiện cơ cấu nội bộ.

Sir Jim Ratcliffe lưu ý rằng số tiền lớn đã được chi tiêu một cách liều lĩnh cho những cầu thủ lớn tuổi và hưởng mức lương cao ngất ngưởng, đồng thời đề xuất những cách để xây dựng đội hình hiệu quả hơn.

Toto Wolff, lãnh đạo Mercedes từng làm việc với Sir Jim Ratcliffe kể từ khi INEOS trở thành đối tác chính với đội F1 của ông vào năm 2020, khẳng định tỷ phú 71 tuổi này sẽ là tài sản lớn với Man United.

Toto Wolff nói: “Jim và các đối tác của ông ấy điều hành một tổ chức trung thực. Họ rất lớn về mặt doanh thu, lợi nhuận và các quyết định được đưa ra nhanh chóng. Với Jim, tất cả điều phiền phức đều bị loại bỏ, vì vậy tôi nghĩ bất cứ nơi nào ông ấy có được quyền lực, nguồn lực và tất cả tính cách của ông đằng sau đó thì đều là tiện ích bổ sung cho bất kỳ đội bóng nào".

huyen-thoai-liverpool-khuyen-sir-jim-ratcliffe-khong-mua-clb-bong-da-truoc-khi-ra-gia-cho-mu.jpg
Sir Jim Ratcliffe (phải) phớt lời lời khuyên không nên mua CLB bóng đá từ Graeme Souness - Ảnh: Getty Images

Việc Sir Jim Ratcliffe chuẩn bị sở hữu 25% cổ phần Quỷ đỏ có thể không phải là vụ mua bán mà nhiều người hâm mộ hi vọng, nhưng sự xuất hiện của tỉ phú người Anh hứa hẹn tạo ra điều mới mẻ cho CLB. Dù chưa chính thức trở thành chủ sở hữu một phần của Manchester United, Sir Jim Ratcliffe đã có sẵn danh sách việc cần làm tại sân Old Trafford.

Sir Jim Ratcliffe có thể sẽ nắm quyền kiểm soát các hoạt động bóng đá và nhân sự tại sân Old Trafford, thực hiện những thay đổi mà gia đình Glazer không có kiến thức hoặc sự quan tâm để tiến hành.

Sir David Brailsford, Giám đốc thể thao INEOS, sẽ đến Manchester United và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhân sự ở CLB. Tương lai của HLV Erik Ten Hag vẫn được đảm bảo, nhưng thông tin cho biết Giám đốc điều hành Richard Arnold và Giám đốc thể thao John Murtough có thể bị buộc rời khỏi vị trí.

Một nhiệm vụ quan trọng khác với Jim Ratcliffe là làm mới và mở rộng sân vận động Old Trafford, vốn đã xuống cấp trầm trọng kể từ lần gần nhất được sửa chữa vào năm 2006. Mái thủng lỗ tại đây khiến người hâm mộ khó chịu vì nước mưa dột. Việc nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng là điều chắc chắn sẽ làm, cùng mục tiêu là sân Old Trafford sẽ được mở rộng lên 90.000 chỗ ngồi.

"25% cổ phần hoặc nhiều hơn"

Tỷ phú lọc lõi người Anh không phải là người duy nhất muốn áp dụng phương pháp "25% cổ phần hoặc nhiều hơn".

Thông thường, đầu tư nhỏ lẻ là cách tốt nhất để giữ chân trong một đội bóng mà không phải chịu quá nhiều trách nhiệm như những chủ giữ cổ phần lớn hơn”, Jordan Garnder, nhà đầu tư bóng đá từng giữ cổ phần ở các CLB như Helsingor ở giải Đan Mạch, Dundalk tại giải Ireland, hay Swansea City ở giải hạng Nhất Anh.

Nhà đầu tư người Mỹ này cũng chia sẻ thêm với trang The Athletic rằng: “Một lý do khác khiến người ta thích "núp lùm" hơn là vì điều này giúp họ tránh gặp phải những chỉ trích, đồng thời giảm thiểu số tiền đầu tư vào những dự án có phần mạo hiểm và thiếu an toàn”.

Hồi tháng 9, Fenwway Sport Group (FSG-ND) quyết định bán lại một phần nhỏ cổ phần của họ cho công ty đầu tư tài chính Dynasty Equity. Thương vụ này có giá trị vào khoảng 100 triệu USD tới 200 triệu USD, song quỹ đầu tư tài chính này chỉ sở hữu từ 1,9 đến 3,8% cổ phần Liverpool mà thôi.

Bill Foley, ông chủ của Bournemouth, đã bán một phần nhỏ cổ phần của mình cho Ryan Sports Ventures thông qua Black Knight Football Club, một nhóm các nhà đầu tư nhỏ lẻ, trong đó có diễn viên Michael B Jordan, nổi tiếng qua vai Erik Killmonger trong loạt phim Black Panther đình đám cách đây 5 năm.

Newcastle United cũng là ví dụ cho những CLB “năm cha, mẹ” như thế. Đầu tiên, 80% cổ phần của họ thuộc về Public Investment Fund (Quỹ Đầu tư công của Ả Rập Saudi), còn lại là PCP Capittal Partners (10% cổ phần) và Reuben Brothers (10% cổ phần). Được sở hữu bởi các ông chủ vùng Vịnh khác, Manchester City cũng không nằm ngoài xu hướng này. Cụ thể, nửa xanh thành Manchester bán lại 18% cổ phần của mình cho Silver Lake, công ty đầu tư tài chính có trụ sở ở Mỹ.

Crystal Palace có đến 4 nhà đầu tư và cổ đông khác nhau, gồm Steve Parish, Josh Harris, David Blitzer và John Textor, những người nắm giữ cổ phần của CLB này ở nhiều mức độ khác nhau.

Có thể thấy xu hướng sở hữu chung một CLB đang là xu hướng chung của bóng đá thế giới. Tuy nhiên có một câu hỏi mà chúng ta vẫn phải đặt ra cho mô hình “sở hữu chung” này là làm thế nào để các CLB hoạt động trơn tru trong khi quá nhiều ông chủ như thế?

Sơn Vân