Lội ngược dòng, nông sản Việt sang Trung Quốc cao kỷ lục

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:28, 23/10/2023

Trái ngược với bức tranh ảm đạm của nhiều ngành hàng, từ đầu năm đến nay nhiều mặt hàng nông sản Việt ghi nhận kỷ lục mới trên thị trường Trung Quốc.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp Việt Nam ước đạt 38,48 tỉ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

sau-rieng.jpg
Sầu riêng của Việt Nam là một trong những mặt hàng được tiêu thụ lớn tại thị trường Trung Quốc - Ảnh: IT

Ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Trong khi kim ngạch xuất sang Nhật Bản, Mỹ đều giảm 7-22% so với cùng kỳ năm ngoái, thì thị trường Trung Quốc lại lội ngược dòng tăng trưởng dương.

Đến hết tháng 9, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đạt 8,71 tỉ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nông sản lên đến hơn 6,2 tỉ USD, chiếm 70% tổng xuất khẩu nông lâm thủy sản, kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.

Riêng nhóm rau quả, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 2,75 tỉ USD, con số cao kỷ lục. So với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng đến 160%. Sầu riêng là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn, đến 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả, đạt 1,5 tỉ USD.

Sau rau quả, gạo là mặt hàng được người dân Trung Quốc chi mạnh thứ hai với gần nửa tỉ USD, tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc đạt gần 434 triệu USD, tăng hơn 42%, xuất khẩu cà phê trên 101 triệu USD, tăng 11,4%, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đạt gần 436 triệu USD, tăng 30%.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), các mặt hàng rau quả đã mở cửa thị trường của Việt Nam hiện nay là: thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, bưởi, chanh, vú sữa, chuối. Các mặt hàng đang đàm phán mở cửa thị trường là chanh leo sang Mỹ, Australia; bưởi sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ; sầu riêng sang Ấn Độ; các loại quả có múi, dừa, sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.

Với đà xuất khẩu rau quả như hiện nay, mục tiêu 5 tỉ USD kim ngạch cả năm 2023 là không quá xa vời. Tuy nhiên, trong quá trình tăng trưởng nóng của nhiều mặt hàng hiện nay, nhất là các mặt hàng trái cây, yêu cầu giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định uy tín và giá trị của cả ngành hàng.

Việt Nam cũng có nhiều lợi thế trong xuất khẩu gạo, nông sản vào Trung Quốc thời gian tới khi mà nhu cầu gạo trên thế giới tăng cao, Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản. Các cơ quan chức năng nỗ lực đàm phán để nâng số lượng nông sản được xuất chính ngạch vào Trung Quốc.

Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng khắc khe. Thực tế đó đặt ra cho ngành chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt cùng ý thức của doanh nghiệp và người nông dân trong giữ gìn uy tín và nâng cao chất lượng.

Để hoàn thành được mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54 - 55 tỉ USD, bộ sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ, đồng thời phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.

Bộ sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trong đó tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản xuất sang Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, liên minh kinh tế Á - Âu, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do...

Về giải pháp phát triển nông sản Việt thời gian tới, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, chợ nông sản toàn cầu là vô cùng rộng lớn, cơ hội nhiều nhưng ngày càng phức tạp, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao. Đặc biệt, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng lên cao, nông sản Việt Nam vào thị trường các nước khác phải chấp nhận có những yêu cầu khó tính đến bất ngờ.

Cũng chính vì vậy mà TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh, Việt Nam phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi hiện đại, đáp ứng được yêu cầu, có cam kết đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, nông dân, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ cam kết ấy theo đúng thông lệ quốc tế.

"Về chính sách phát triển hạ tầng tiêu thụ nông sản, chúng ta đang thúc đẩy phát triển, xây dựng chợ đầu mối, phát triển thị trường tiêu thụ tương lai để phân chia rủi ro, giảm trung gian, tiêu thụ thuận lợi với giá tốt hơn", TS Tuấn nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh, vấn đề về thương hiệu nông sản là hết sức quan trọng. Bởi hiện có rất nhiều nông sản của Việt Nam đã có thương hiệu, đã xây dựng được thương hiệu nhưng không giữ được. Do đó, để thương hiệu thực sự bền vững, nông sản phải đáp ứng được 2 yêu cầu quan trọng, đó là: Chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phầm.

Để đáp ứng được 2 yêu cầu này, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn luôn có chương trình lựa chọn những cây, con giống chất lượng cao, đồng thời phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương xây dựng những quy chuẩn phù hợp với yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu.

Tuyết Nhung