Xung đột Israel - Hamas ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp Mỹ
Quốc tế - Ngày đăng : 09:33, 23/10/2023
Giới lãnh đạo ngân hàng J.P Morgan Chase & Co., ngân hàng Goldman Sachs, hai tập đoàn công nghệ Google và Meta nằm trong số hàng chục người nhanh chóng lên án cuộc tấn công ngày 7.10 của Hamas, bày tỏ sự đoàn kết với Israel qua tuyên bố công khai, mạng xã hội hay thậm chí tại hội nghị báo cáo tài chính. Nhiều người cam kết viện trợ nhân đạo hàng triệu USD, đồng thời đưa ra kế hoạch bảo vệ nhân viên ở Israel.
Trong bài đăng trên mạng xã hội LinkedIn và một lá thư gửi nhân viên, giám đốc điều hành hãng dược Pfizer Albert Bourla cho biết ông thường xuyên gọi cho bạn bè cùng người thân ở Palestine, bản thân cảm thấy kinh hoàng khi nghe tin “dân thường mọi lứa tuổi bị nhắm mục tiêu, bị giết hại, bị bắt làm con tin hay bị tra tấn”. Ông kêu gọi nhân viên hỏi thăm lẫn nhau và thông báo công ty đã phát động một chiến dịch cứu trợ.
“Chỉ lên án là chưa đủ, chúng ta phải hành động”, theo giám đốc Bourla.
Giám đốc điều hành đơn vị tổ chức hội nghị công nghệ thường niên Web Summit Paddy Cosgrave lại nói rằng Israel phạm tội ác chiến tranh. Quan điểm đi ngược đám đông này lập tức hứng chịu phản ứng mạnh mẽ. Cựu giám đốc điều hành Facebook David Marcus viết trên mạng xã hội X: “Tôi sẽ không bao giờ tham dự/tài trợ/phát biểu tại bất kỳ sự kiện nào của ông nữa”.
Đối mặt với làn sóng tẩy chay Web Summit vào năm tới, giám đốc Cosgrave phải từ chức và nhận lỗi phát ngôn cá nhân của mình ảnh hưởng đến sự kiện cùng những người liên quan. Thế nhưng Google, Meta, Siemens, Intel vẫn quyết định rút khỏi hội nghị.
Giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng Sweetgreen Jonathan Neman tuyên bố không bao giờ tuyển dụng sinh viên Đại học Harvard thuộc các nhóm ký tuyên bố đổ lỗi Israel gây nên bạo lực. Công ty luật Winston & Strawn hủy lời mời làm việc với một sinh viên Đại học New York vì người này bày tỏ quan điểm rằng Israel hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự đổ máu.
Chiều ngược lại, Hội đồng Quan hệ Mỹ - Hồi giáo chỉ trích loạt hành động và phát ngôn từ giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ thể hiện sự thiếu thiện cảm với cộng đồng Palestine, khiến người Palestine cùng những ai ủng hộ nhân quyền cho người Palestine bị cô lập tại nơi làm việc cũng như thấy lo sợ khi nói về xung đột hiện tại.
Nhà khoa học dữ liệu người Mỹ gốc Palestine Isra Abuhasna chia sẻ bản thân đang “mạo hiểm cả sự nghiệp” để bày tỏ quan điểm cá nhân về cuộc xung đột. Cô lo ngại số bài đăng của mình gây khó khăn cho nỗ lực tìm công việc mới, nhưng Abuhasna cho biết bố mẹ đã dạy mình phải lên tiếng vì chính nghĩa của người Palestine.
“Đây là bản sắc của tôi. Tôi chẳng tốt đẹp gì nếu có được việc mà lại làm tổn hại đến luân lý và đạo đức của bản thân”, Abuhasna nói với AP.
Tranh cãi ồn ào nhất đến từ Starbucks, sau khi công đoàn đại diện cho 9.000 lao động làm việc tại hơn 360 tiệm cà phê trên khắp nước Mỹ đăng dòng tweet “Đoàn kết với Palestine” vào ngày 9.10. Dòng tweet sớm bị gỡ xuống nhưng công ty vẫn nhận đến 1.000 khiếu nại cũng như hứng chịu hành vi phá hoại tiệm.
Công ty Starbucks đã đệ đơn kiện để ngăn công đoàn của mình sử dụng tên cùng logo công ty. Liên đoàn Lao động Mỹ phản ứng bằng một vụ kiện riêng cáo buộc Starbucks phỉ báng công đoàn do ám chỉ họ ủng hộ khủng bố.
Ngày 20.10, công đoàn Starbucks lại đăng một thông điệp dài tố cáo “sự chiếm đóng của Israel, mối đe dọa diệt chủng mà người Palestine phải đối mặt” đồng thời lên án chủ nghĩa bài Do Thái và bài Hồi giáo.
Nhà sáng lập công ty tư vấn Perelaks Angela Berg cho rằng doanh nghiệp có quyền bày tỏ quan điểm về cuộc xung đột, nhưng họ cũng cần tôn trọng ý kiến của bên đối lập.