Nỗ lực phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt trên 5%
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:45, 23/10/2023
Kinh tế vĩ mô ổn định
Trình bày kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 tại Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm.
Tăng trưởng GDP quý 3 đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỉ USD. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm…
Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỉ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm và sản phẩm cụ thể; đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822km; phấn đấu đến hết năm 2023 tiếp tục hoàn thành thêm 78km.
Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023, đạt nhiều thành tựu quan trọng có tính lịch sử, tạo thời cơ, vận hội mới để phát triển đất nước và nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Doanh nghiệp phá sản tăng cao
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung nỗ lực khắc phục như: Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ngoài ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm; tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng.
Đặc biệt, các cơ chế, chính sách về đất đai, bất động sản, nhà ở, đầu tư công đang là điểm nghẽn; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm; du lịch quốc tế phục hồi chậm.
Ngoài ra, việc triển khai một số nội dung thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển KT-XH còn chậm. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ; lao động khu vực phi chính thức còn lớn; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao; nghiên cứu phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo còn hạn chế…
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên là tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, vượt quá khả năng dự báo; công tác nắm bắt, dự báo tình hình có lúc còn chưa sát, việc tham mưu, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động; một bộ phận cán bộ còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ thuộc thẩm quyền…
Trong các bài học kinh nghiệm nêu ra, Thủ tướng lưu ý kinh nghiệm quan trọng là phải đoàn kết toàn đảng, toàn dân, dân tộc, quốc tế. Phải nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả về những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm.
Phấn đấu tăng trưởng trên 5%
Về nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu)…
Ngoài ra, cần tích cực phục hồi, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu và ổn định thị trường, giá cả.
“Nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5 - 4%”, Thủ tướng nêu.
Năm 2024, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại.
Các chỉ tiêu chủ yếu đặt ra bao gồm: Tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4 - 4,5%.
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%... Dự toán thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 5%; bội chi dưới 4% GDP.