Vì sao mèo đen - biểu tượng Halloween bị con người sợ hãi và phân biệt đối xử?
Văn hóa - Ngày đăng : 17:50, 24/10/2023
Mèo xuất hiện trong văn hóa dân gian và lịch sử từ thời Ai Cập - thời kỳ nổi tiếng yêu mèo và thậm chí có cả những người thờ mèo. Mèo cũng được yêu mến ở La Mã cổ đại, Trung Quốc và Trung Đông.
Tuy nhiên, mèo không được yêu mến ở châu Âu trong nhiều thời kỳ trung cổ - đặc biệt là mèo đen. Vào năm 1233, Giáo hoàng Gregory IX đã ban hành sắc lệnh Vox in Rama - một lệnh cấm chống lại các tà giáo, trong đó đề cập đích danh mèo đen và coi chúng là hiện thân của quỷ dữ. Hàng nghìn con mèo đã bị thiêu sống và việc hành hình loài mèo kéo dài trong nhiều thế kỷ.
Nguồn gốc của sự mê tín về mèo đen
Nguồn gốc của sự mê tín về mèo đen có thể bắt nguồn từ các tín ngưỡng lịch sử, văn hóa và tôn giáo khác nhau. Từ những mô tả đầy màu sắc và ghê rợn trong tài liệu về những thực hành của giáo phái satan, Giáo hoàng Gregory tuyên bố rằng những người tôn thờ ma quỷ đang giao thiệp với chủ nhân của họ dưới hình dạng một sinh vật nửa người, nửa mèo đen.
Theo mô tả của nhà Trung cổ học Irina Metzler trong bài “Mèo dị giáo: Chủ nghĩa biểu tượng động vật trong diễn ngôn tôn giáo”, nghi lễ hôn “mông mèo” của giáo phái satan là "buồn nôn nhất".
Con người thời Trung cổ cũng không thích những loài động vật khác như ếch và cóc, nhưng chúng chưa bao giờ được coi là biểu tượng của Halloween. Và ý tưởng cho rằng mèo là ác quỷ, đặc biệt là mèo đen có sức thuyết phục hơn cả.
Hầu hết các học giả nghiêm túc đều bác bỏ mối liên hệ giữa mèo đen và sự lây lan của bệnh dịch hạch (thậm chí đáng ra mèo đen phải được tuyên dương vì thành tích bắt chuột ngăn dịch hạch mới đúng), nhưng điều đó không giúp ích gì cho việc rửa tiếng oan cho chúng.
Đến thế kỷ 15, các phù thủy đã được thêm vào danh sách những người kết giao với ma quỷ thông qua mèo. Năm 1486, Giáo hoàng Innocent VII tuyên bố rằng mèo là “con vật yêu thích của ma quỷ và là thần tượng của mọi phù thủy”.
Tại sao mèo đen lại bị xem là... ác quỷ?
Mèo đen mang tiếng xấu xa vì những câu chuyện kể về ma quỷ thường tưởng tượng ra việc phù thủy biến thành mèo vào ban đêm.
Những câu chuyện đó thường kể về một con mèo bị thương; ngày hôm sau một phù thủy bị nghi ngờ cũng có vết thương tương tự. Nội dung kiểu chuyện này xuất hiện thường xuyên đến mức có thể gọi nó là một tuýp văn học dân gian.
Tất cả những điều này kéo dài hàng thế kỷ có thể đã dẫn đến hình thành trong tâm tưởng xã hội về mối liên hệ giữa mèo và cái ác - và do đó, hình bóng mèo đen ngày nay thường xuất hiện nổi bật trên những đồ trang trí của chúng ta trong dịp Halloween.
Mèo đen tượng trưng cho điều gì?
Biểu tượng của một con mèo đen là một vấn đề phức tạp. Trong các nền văn hóa khác nhau và trong suốt lịch sử, mèo đen luôn gắn liền với những điềm báo tốt lẫn xấu. Dưới đây là một số quan niệm văn hóa về mèo đen trên thế giới.
Biểu tượng mèo đen tích cực: Ở Ai Cập cổ đại, mèo nói chung, bao gồm cả mèo đen, rất được tôn kính và coi là linh thiêng. Chúng được cho là thần mang lại may mắn và bảo hộ.
Một số vùng của nước Anh, người đi biển coi mèo đen là điềm may mắn. Nếu một con mèo đen bước lên một con tàu và ở lại thì đó được coi là dấu hiệu của chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió.
Ở Nhật Bản, mèo đen được cho là mang lại thịnh vượng, cầu phúc cho hôn nhân, đảm bảo mùa màng bội thu và thậm chí còn giúp mang lại thành công cho các tác phẩm sân khấu.
Biểu tượng mèo đen mang tính tiêu cực thì trong các nền văn hóa phương Tây lại khác nhau, nhất là thời Trung cổ, mèo đen có liên quan đến phù thủy và được coi là thú cưng của phù thủy. Chúng thường được coi là dấu hiệu của sự xui xẻo và xấu xa.
Ở Ý vào thế kỷ 16, người ta tin rằng nếu một người bệnh có một con mèo đen nằm trên giường thì họ sẽ chết. Nỗi sợ hãi về mèo đen càng gia tăng trong thời Trung cổ, đặc biệt là trong đợt bùng phát của bệnh dịch hạch. Một số người tin rằng mèo đen có thể truyền bệnh và chúng thường liên quan đến ma quỷ và phù thủy.
Ở Trung Quốc và Việt Nam thời xưa, người ta quan niệm mèo đen là loài vật có khả năng liên kết với cõi âm. Chính vì vậy, khi nhà có người qua đời thì phải kiêng không cho mèo đen nhảy qua thi hài để phòng trường hợp “quỷ nhập tràng”, tức người chết tự dựng người dậy.
Tại sao chúng ta nghĩ mèo có sức mạnh thần bí?
Nhưng tại sao mèo lại ám ảnh chúng ta mà không phải là loài ếch? Metzler cho rằng câu trả lời có thể nằm ở chỗ mèo không thực sự được thuần hóa hoàn toàn. Đặt một chân vào thế giới của chúng ta (ngủ yên bình bên lò sưởi và xua đuổi loài gặm nhấm) nhưng mèo lại đặt một chân ở một nơi khác (ai biết mèo sẽ đi đâu khi chúng biến mất nhiều ngày liền?) tạo ra cái mà Metzler gọi là “căng thẳng về khái niệm”.
Mèo hữu ích như thế nào?
Mèo rất hữu ích vì chúng săn bắt loài gặm nhấm. Nhưng chính hành vi này đã khiến chúng bị coi ở trạng thái bán hoang dã. Metzler so sánh điều này với những người dị giáo thời xa xưa, những người mà bản thân họ chưa hoàn toàn thuần đạo, bởi vì họ vẫn còn thách thức tính chính thống và giải thích niềm tin tôn giáo theo cách họ muốn. Họ còn đòi tự do và từ chối bị ràng buộc bởi các quy tắc. Nghe rất giống loài mèo khó bảo vậy.
Mèo đen là xui xẻo hay may mắn?
Không phải mọi nền văn hóa - kể cả ở châu Âu - đều cho rằng mèo đen là điềm xui xẻo. Tháng 5 năm ngoái, Mark Rees, một tác giả xứ Wales, người gần đây đã xuất bản một cuốn sách về thần thoại và truyền thuyết xứ Wales, đã đăng trên Twitter câu thơ này từ văn hóa dân gian xứ Wales:
Có chú mèo đen
Ai cũng phải khen
Xua đuổi bệnh tật
Bảo vệ ngôi nhà
Khỏi hen, khỏi sốt…
Tại sao mèo đen không may mắn?
Hầu hết mèo đen đến giờ vẫn bị xem là xui xẻo. Cả các ghi chép từ giai thoại và nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng mèo đen ít được mọi người nhận nuôi hơn và thường xuyên bị tai nạn hơn so với mèo có màu lông khác.
Vì vậy, Halloween này, nếu bạn nhìn thấy một con mèo đen, hãy thương yêu nó như những con mèo khác.