Lần đầu tiên phát hiện cúm gia cầm ở Nam cực

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:48, 25/10/2023

Hãng AFP đưa tin các nhà khoa học Anh lần đầu tiên phát hiện cúm gia cầm ở Nam cực. Phát hiện làm dấy lên lo ngại loại bệnh này có thể đe dọa đến chim cánh cụt cùng nhiều sinh vật địa phương khác.

Lấy mẫu những con chim biển skua chết trên đảo Bird (thuộc quần đảo Nam Georgia) rồi gửi về nước xét nghiệm, Cơ quan Khảo sát Anh bất ngờ nhận về kết quả dương tính. Họ suy đoán rất có thể chim di cư đến Nam Mỹ nơi cúm gia cầm bùng phát đã đem mầm bệnh đến đây. Người từng đến Nam Georgia và quần đảo Nam Sandwich đang được theo dõi, hoạt động nghiên cứu chim tại địa phương cũng bị tạm dừng.

lan.jpg

Cúm gia cầm thường xuyên bùng phát từ khi vi rút gây bệnh này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996. Kể từ giữa năm 2021, các đợt bùng phát quy mô lớn bắt đầu lan rộng về phía nam đến hàng loạt khu vực chưa từng bị ảnh hưởng trước đây khiến chim hoang dã bị chết, gia cầm bị tiêu hủy.

Chuyên gia Michelle Wille (Đại học Melbourne) xem phát hiện mới nhất là tin xấu. Bà cảnh báo tình hình có thể diễn biến nhanh chóng.

Tuần trước, chuyên gia Ian Brown (Cơ quan Thú y - Thực vật Vương quốc Anh) lưu ý đến nguy cơ cúm gia cầm chim di cư đem mầm bệnh từ Nam Mỹ đến các đảo Nam Cực, mầm bệnh sau đó sẽ đi vào vùng đất liền của khu vực này – mối lo ngại thực sự cho quần thể chim địa phương trong đó có chim cánh cụt.

Quần thể chim địa phương chưa từng chưa từng tiếp xúc với vi rút gây cúm gia cầm nên chưa có miễn dịch, vì vậy dễ chịu tổn thương hơn. Nhưng tin vui là Cơ quan Thú y - Thực vật Vương quốc Anh qua nghiên cứu ban đầu ghi nhận ó biển phương bắc và chim lông sẫm đã sở hữu khả năng miễn dịch.

Con người hiếm khi mắc cúm gia cầm, trường hợp nhiễm bệnh thường là do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm mang vi rút. Tuy nhiên thời gian qua số động vật có vú mắc bệnh này lại gia tăng làm dấy lên lo ngại vi rút đang biến đổi thành phiên bản dễ lẫy cho người hơn.

Cẩm Bình