Biểu dương, nhân rộng các tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến trong đội ngũ báo chí
Sự kiện - Ngày đăng : 13:17, 27/10/2023
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Đức Lợi - Ủy viên Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam trong ngày làm việc thứ 2 (27.10) Hội nghị báo chí các tỉnh phía nam, tổ chức tại tỉnh Tiền Giang.
Hội nghị đã tổng kết 17 năm Giải báo chí quốc gia; công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022; triển khai Chương trình hỗ trợ năm 2023 - 2024. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và 19 hội nhà báo các tỉnh thành khu vực phía nam, lãnh đạo các cơ quan báo chí...
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết Giải báo chí quốc gia được báo giới nói riêng, xã hội nói chung hưởng ứng, đón nhận hằng năm. Hội đồng giải, Ban tổ chức giải, đặc biệt Hội Nhà báo Việt Nam với tư cách cơ quan chủ trì, đã nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để chất lượng Giải báo chí quốc gia ngày một nâng cao.
Trải qua 17 năm tổ chức, Giải báo chí quốc gia đã thu hút hơn 20.000 tác phẩm tham gia, cho thấy sức hút của giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo báo giới cùng công chúng. Đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, với nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số cũng như đổi mới sáng tạo báo chí.
Các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ chất lượng cao giai đoạn mới, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao trong các năm 2023 - 2024.
Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam. Ngay sau khi phong trào thi đua được triển khai, các cấp hội đã kịp thời cụ thể hóa, triển khai đến người làm báo, hội viên các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo.
Những năm qua, đội ngũ người làm báo, hội viên có tinh thần đoàn kết, có trách nhiệm với công việc, năng động, sẵn sàng cống hiến năng lực sáng tạo tác phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức và lòng nhân ái, góp phần xây dựng người làm báo có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Nguyễn Tấn Phong cho biết: “Từ những kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, trong đó gồm xây dựng quy chế nội bộ nghiêm minh, tổ chức quy trình hoạt động chuyên nghiệp, quản lý sát sao hoạt động tác nghiệp và hành vi ứng xử của người làm báo, ngăn ngừa nguy cơ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, có thể nhận định rằng tuy phong trào mới được phát động trong hơn một năm qua nhưng đã được các hội nhà báo địa phương cùng tất cả báo đài hưởng ứng nhiệt thành, lan tỏa mạnh mẽ, đi vào thực chất và bước đầu thể hiện rõ văn hóa là một phần tất yếu trong hồn cốt của đời sống báo chí”.
Chủ tịch Hội Nhà báo Cần Thơ Trương Văn Chuyển cho rằng: “Phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam rất cụ thể, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí và mỗi người làm báo".
Cũng theo ông Chuyển, thời gian tới, Hội Nhà báo Cần Thơ và các cơ quan báo chí ở Cần Thơ sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện Phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo đạt kết quả thiết thực hơn nữa. "Chúng tôi nhận thức rằng, xây dựng cơ quan báo chí, người làm báo có văn hóa, có chuyên môn nghiệp vụ tốt thì hoạt động báo chí sẽ tốt, sẽ phát huy được những mặt tích cực trong hoạt động nghề nghiệp". ông Chuyển khẳng định.
Theo ông Nguyễn Đức Lợi, từ thực tiễn triển khai phong trào xây dựng môi trường văn hóa của cơ quan báo chí, văn hóa người làm báo ở các cấp hội nhà báo, thời gian tới, các cấp hội cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp sau:
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, các cấp hội, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, quy trình nghiệp vụ cơ quan báo chí để báo chí từng bước vươn tới tiêu chí “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
Nội dung phong trào thi đua phải gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp hội, cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và trong từng giai đoạn cụ thể. Coi trọng việc xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình, tiêu chí thi đua, đánh giá, khen thưởng các tập thể, cá nhân của tổ chức hội.
Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, biểu dương, phổ biến kinh nghiệm hay của các tổ chức hội, cá nhân điển hình để kịp thời nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong toàn hội. Các cấp hội nhà báo chủ động phối hợp tổ chức các cuộc thi và giải báo chí về chủ đề xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, đề cao yếu tố văn hóa trong sáng tạo tác phẩm báo chí, gắn với việc đánh giá, tuyển chọn tác phẩm dự thi Giải báo chí quốc gia, các giải báo chí chuyên ngành, giải báo chí tỉnh thành.
Nội dung làm việc chiều nay 27.10 với chuyên đề: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong hoạt động báo chí. Chuyên đề này dự kiến sẽ có nhiều báo cáo tham luận và thảo luận.