Thức ăn thừa mà con người lãng phí đang làm biến đổi khí hậu
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 21:42, 28/10/2023
Theo một báo cáo lần đầu tiên định lượng khí thải nhà kính, thực phẩm bị bỏ đi tại các bãi rác sau khi phân hủy trở thành nguồn phát thải khí mê-tan ngày càng lớn ở Mỹ. Cắt giảm chất thải từ thực phẩm là cách tốt nhất để giảm lượng khí thải làm nóng hành tinh này.
Các bãi chôn lấp "góp" khoảng 15% lượng khí thải mê-tan của Mỹ, nguồn đóng góp khí thải nhiều thứ ba, chỉ sau sản xuất nhiên liệu hóa thạch và chăn nuôi gia súc. Khí mê-tan ở bãi rác này được tạo ra từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ, chẳng hạn như giấy và thực phẩm. Hơn một phần ba tổng số… thực phẩm sản xuất ở Mỹ không bao giờ được tiêu thụ và phần lớn thực phẩm lãng phí đó cuối cùng sẽ bị vứt ra bãi rác và tạo ra khí mê-tan.
Bà Shannon Kenny tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) và các đồng nghiệp đã ước tính lượng khí thải mê-tan do loại thực phẩm bị vứt bỏ tạo ra bằng cách sử dụng dữ liệu được thu thập từ hơn 2600 bãi rác chôn lấp suốt khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2020. Họ đã mô hình hóa lượng khí mê-tan từ chất thải bằng cách xem xét một số yếu tố, gồm cả các loại bãi chôn lấp khác nhau và tốc độ phân hủy của các loại chất hữu cơ khác nhau.
Họ phát hiện ra rằng chỉ riêng trong năm 2020, thực phẩm bỏ đi tại các bãi chôn lấp của Mỹ đã thải ra lượng khí mê-tan đủ để gây ra hiệu ứng nóng lên toàn cầu tương đương với 55 triệu tấn carbon dioxide tác động lên hành tinh trong 100 năm - tương đương với 12 triệu ô tô chạy bằng xăng tạo ra trong một năm. Nhìn chung, chất thải thực phẩm chiếm gần 60% lượng khí thải mê-tan tại bãi rác, mặc dù chúng chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng khối lượng chất thải hữu cơ.
Kenny nói: “Con số thật đáng kinh ngạc. Khi bạn nói chuyện với các chuyên gia, họ sẽ nói tất nhiên đó là rác thực phẩm thải ra khí nhà kính. Nhưng những người vứt bỏ thực phẩm lại không hề biết điều đó”.
Báo cáo cũng cho thấy từ năm 1990 đến năm 2020, lượng khí thải từ thực phẩm bỏ đi đã tăng gần gấp ba lần, ngay cả khi tổng lượng khí thải mê-tan từ các bãi chôn lấp đã giảm đáng kể nhờ hệ thống thu hồi khí mê-tan được triển khai rộng rãi. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự gia tăng này là do lượng rác thải thực phẩm tăng lên chóng mặt, cũng như thực tế là hầu hết chất hữu cơ trong bãi chôn lấp đều phân hủy trước khi hệ thống thu hồi khí được lắp đặt, thường là khi bãi chôn lấp đã đầy.
Liz Goodwin tại Viện Tài nguyên Thế giới phi lợi nhuận về môi trường ở Washington, DC đánh giá phát hiện này cho thấy tầm quan trọng rõ ràng của việc giảm lãng phí thực phẩm. Việc tiết kiệm thực phẩm không chỉ để hạn chế lượng khí thải mê-tan từ các bãi chôn lấp mà còn cắt giảm khí nhà kính và các tác động sử dụng tài nguyên liên quan đến sản xuất nguồn thực phẩm dư thừa đó.
Trong quá trình nghiên cứu, EPA đã cập nhật bảng xếp hạng các phương pháp tiếp cận thân thiện với môi trường nhất để xử lý rác thải thực phẩm. Họ nhận thấy rằng việc giảm chất thải ở mọi phần của chuỗi cung ứng và tái chế bất cứ thứ gì còn sót lại là hữu ích nhất. Sử dụng thức ăn dư thừa làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân hoặc dùng để tạo ra khí sinh học cũng là những lựa chọn đáng xem xét, cho dù chúng chỉ mang lại lợi ích môi trường nhỏ.
Ngược lại, việc đốt thực phẩm, vứt xuống cống hoặc đưa vào bãi rác là những cách tồi tệ nhất để xử lý chất thải.
Mê-tan (CH4) : Một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh, có khả năng hấp thụ nhiệt nhiều hơn nhiều so với khí cacbonic, mê-tan được tạo ra từ một nguyên tử cacbon và bốn nguyên tử hydro. Nó được tìm thấy với số lượng rất nhỏ trong khí quyển nhưng có thể gây ra tác động lớn đến sự ấm lên. Khí mê-tan cũng được sử dụng làm nhiên liệu. Khi bị đốt cháy, nó giải phóng khí nhà kính carbon dioxide vào khí quyển. Mặc dù khí mê-tan tồn tại trong khí quyển với thời gian ít hơn nhiều so với khí cacbonic, nhưng xét về mặt hiệu ứng nhà kính thì nó mạnh hơn nhiều. Trên toàn cầu, nó chiếm khoảng 16% lượng khí thải nhà kính do con người tạo ra.
Mỗi năm toàn thế giới lãng phí 1,3 tỉ tấn thức ăn. Ước lượng mỗi ngày có hàng trăm tấn thức ăn bị lãng phí bỏ đi không sử dụng. Đưa ra phép tính cụ thể là mỗi ngày toàn thế giới tiêu thụ khoảng 14 tỉ kg và 160.000 kg thực phẩm mỗi giây. Nhưng, có một nghịch lý là có đến 1/3 lương thực bị lãng phí, tương đương với 4,6 tỉ kg thực phẩm/ ngày bị bỏ vào thùng rác không sử dụng nữa. Nếu lượng thức ăn lãng phí này được sử dụng hay tiết kiệm thì nó có thể nuôi sống 2 tỉ người mỗi ngày và nạn đói ở các quốc gia nghèo đói có thể sẽ bị xoá bỏ.