Gần 1 năm qua, mỗi tháng gần 15.000 doanh nghiệp đóng cửa: Rất đáng lo ngại!
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:05, 29/10/2023
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, cả nước có hơn 15,4 nghìn DN thành lập mới, tăng 21,7% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, cả nước còn có 5,6 nghìn DN quay trở lại hoạt động, giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2022; có 5.501 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,4% và tăng 35,6%; có 4.898 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,1% và tăng 16,6%; có 1.501 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,2% và giảm 6,3%.
Tính chung 10 tháng của năm 2023, cả nước có 183,6 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 18,4 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Số DN rút lui khỏi hoạt động sản xuất và thị trường là 146,6 nghìn DN, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 14,7 nghìn DN rút lui, chấm dứt hoạt động.
Những con số trên cho thấy cảnh báo về “một thập niên mất mát” trong trung hạn (đến năm 2030), và “các cơn gió nghịch” ở năm 2023-2024 cho thấy xu thế khó khăn của kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đang trước mắt. Trong đó, sự khó khăn của cộng đồng DN là một ví dụ điển hình.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng DN đóng cửa là những DN đang tồn tại thực, từng tạo việc làm và thu nhập thực, đóng góp GDP và ngân sách thực, trong khi DN đăng ký thành lập chưa tồn tại thực và có thể không tồn tại thực.
“Nếu DN mới thành lập có tồn tại và hoạt động thì đóng góp “thực” cho nền kinh tế cũng chỉ diễn ra từng bước sau 3 - 6 tháng, trong khi đó DN “đóng cửa” gây tổn thất cho nền kinh tế ngay lập tức”, ông Thiên nêu và bày tỏ lo ngại cho tăng trưởng những tháng cuối năm 2023 và đầu 2024.